Người dân TP.HCM vẫn “mệt mỏi” với sổ đỏ, sổ hồng

avatar
Dù đã có nhiều đợt tháo gỡ, TP HCM vẫn còn khoảng 10.000 căn nhà chưa có sổ đỏ. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý, số liệu này mới chỉ thống kê từ tháng 7/2014 đến hết tháng 4/2023. Hiện nay, nhiều dự án mới tiếp tục phát sinh, đòi hỏi công tác tháo gỡ phải được triển khai liên tục.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa cập nhật tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ, sổ hồng) cho tổ chức, cá nhân tại các dự án nhà ở thương mại.

Dự án cần tháo gỡ tiếp tục phát sinh

Từ tháng 11/2024 đến nay, tổ công tác chuyên trách đã tổ chức 12 cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho 66 dự án, bao gồm 37.214 căn hộ, nhà ở, thửa đất, officetel, một tài sản gắn liền với đất, 15 sàn công trình thương mại dịch vụ, 655 ô đậu xe ô tô và 218 ô thương mại dịch vụ.

Kết quả, 41/66 dự án đã được giải quyết vướng mắc, tương ứng với 27.575 căn hộ, nhà ở, thửa đất, officetel, 655 ô đậu xe ô tô, một tài sản gắn liền với đất và 15 sàn công trình thương mại dịch vụ.

Từ tháng 4/2023, cơ quan chức năng TP HCM thống kê có khoảng 81.000 căn nhà chưa được cấp sổ đỏ. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử lý phần lớn, còn khoảng 10.000 căn nhà đang chờ cấp sổ, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.

Tuy nhiên, Sở lưu ý rằng số liệu trên được thống kê từ tháng 7/2014 đến hết tháng 4/2023. Hiện nay, nhiều dự án mới tiếp tục phát sinh và chưa được cấp sổ đỏ, đòi hỏi công tác tháo gỡ tiếp tục được triển khai.

cap-so-1739535535.jpeg
Hiện nay, nhiều dự án mới tiếp tục phát sinh đòi hỏi công tác tháo gỡ tiếp tục được triển khai

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, nhận định rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm cấp sổ hồng là do vướng mắc trong các quy định pháp luật, đặc biệt liên quan đến việc định giá đất để tính tiền sử dụng đất. Hiện nay, nhiều đơn vị e ngại trong việc xác định và phê duyệt khoản chi phí này, dẫn đến tình trạng trì hoãn trong quá trình cấp sổ.

Trước đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án trên địa bàn, UBND TP. HCM đã thành lập tổ công tác chuyên trách với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng, đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.

Tổ công tác sẽ hoạt động theo ba giai đoạn: rà soát, thu thập số liệu và hồ sơ để thống kê danh mục các dự án nhà ở thương mại; phân loại các vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ; và tập trung triển khai các biện pháp nhằm đẩy nhanh việc cấp sổ hồng cho người mua nhà. Kế hoạch này dự kiến được thực hiện từ tháng 11 đến hết tháng 12.

Bên cạnh đó, tổ công tác cũng sẽ tham mưu cho thành phố trong việc xây dựng các ứng dụng và cổng thông tin điện tử nhằm công khai dữ liệu pháp lý, tài chính và tiến độ của các dự án nhà ở thương mại, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và theo dõi thông tin dự án.

Nhiều cư dân vẫn “ngồi trên đống lửa”

Những dự án đã và đang được cấp sổ hồng phần nào giúp cư dân yên tâm, nhưng vẫn còn nhiều người dân TP. HCM bức xúc khi mua nhà, nền đất, căn hộ từ hàng chục năm trước mà vẫn chưa nhận được sổ.

Chẳng hạn, chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú) và chung cư Khang Gia Gò Vấp do Công ty Khang Gia làm chủ đầu tư gặp nhiều sai phạm xây dựng, dẫn đến việc cấp sổ bị đình trệ. Đến năm 2020, lãnh đạo doanh nghiệp vướng vào lao lý, khiến tình hình càng phức tạp. Đến năm 2022, cư dân chung cư Khang Gia Tân Hương càng hoang mang khi một ngân hàng thông báo siết chung cư để thu hồi khoản nợ mà chủ đầu tư đã thế chấp trước đó. Dù đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu từ quận đến thành phố và các cơ quan trung ương, việc cấp sổ vẫn bế tắc do chủ đầu tư chưa thực hiện các thủ tục khắc phục sai phạm.

Tương tự, cư dân chung cư Phú Thạnh (quận Tân Phú) do Công ty 585 làm chủ đầu tư cũng rơi vào tình trạng chờ đợi. Chung cư có hơn 800 căn hộ, được đưa vào sử dụng từ năm 2010, cư dân đã thanh toán hơn 95% giá trị căn hộ. Tuy nhiên, ngay từ năm 2010, chủ đầu tư đã thế chấp 219 căn hộ tại ngân hàng, khiến sổ hồng bị "treo".

so-hong-1739535542.jpg
Cư dân tại nhiều dự án bị chủ đầu tư "cắm" ngân hàng không biết khi nào mới được cầm trên tay cuốn sổ hồng

Chung cư Hồng Lĩnh (huyện Bình Chánh) cũng trong tình trạng tương tự. Được bàn giao từ năm 2009 với hơn 180 căn hộ, nhưng suốt 6 năm qua, cư dân đã nhiều lần kêu cứu vì chưa được cấp sổ. Sau khi bàn giao nhà, chủ đầu tư tiếp tục xây dựng trái phép, thay đổi thiết kế, bít ô tầng lửng thông khí… Dù cơ quan chức năng đã vào cuộc, sai phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm, khiến cư dân tiếp tục chờ đợi trong vô vọng.

Trước thực trạng này, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, đề xuất chủ đầu tư phải cam kết cấp ít nhất 50% sổ hồng cho cư dân có nhu cầu, đặc biệt là những người cần vay vốn ngân hàng. Phần diện tích còn lại sẽ được cấp khi chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Việc chậm trễ cấp sổ hồng do chủ đầu tư gây ra cần được xử lý nghiêm nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mua nhà, đồng thời hạn chế tình trạng chủ đầu tư vô trách nhiệm với khách hàng.

Trước đó, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, trong 30.061 hồ sơ đủ điều kiện cấp sổ hồng, các chủ đầu tư mới nộp 9.278 hồ sơ, còn 20.783 hồ sơ chưa được nộp. Nguyên nhân chính là do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung hoặc đã thế chấp dự án.

Cụ thể, một số dự án điều chỉnh quy hoạch nên phải nộp thêm tiền sử dụng đất. Trong khi đó, với các dự án đã thế chấp, chủ đầu tư cần giải chấp quyền sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết Nghị định 91/2019 đã tăng mức xử phạt đối với việc chậm nộp hồ sơ. Sở đã xử phạt nhiều trường hợp và sẽ tiếp tục áp dụng các chế tài nghiêm khắc nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định.