Ngập lụt tại các đô thị có phần nguyên nhân từ bê tông hóa và lấn chiếm ao hồ

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay, nguyên nhân gây ngập úng ở đô thị hiện nay là do quá trình đô thị hóa quá nhanh, xây dựng nhiều dãy phố, dãy nhà, trong khi hệ thống thoát nước mỗi lúc trời mưa lớn chưa bảo đảm ở nhiều nơi.

Từ đầu tháng 5, cả nước đã bước vào mùa mưa, cùng với đó là tình trạng ngập úng cũng xuất hiện tại nhiều địa phương. Như tại Hà Nội, với lượng mưa 50 - 70mm/h, địa bàn thành phố xuất hiện 11 điểm úng ngập. Còn lượng mưa hơn 70mm/h, thành phố phát sinh 19 điểm ngập. Hay tại TP. HCM, Sở Xây dựng thành phố cho biết, có 18 tuyến đường chính bị ngập khi có mưa và triều cường.

Chính phủ đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho các dự án chống ngập trên khắp cả nước. Tuy nhiên, các dự án này dường như chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Điển hình là dự án chống ngập tại khu vực chợ Thủ Đức (TP. HCM), khi 2 trận mưa đầu mùa vừa qua là cả 2 lần khu vực bị ngập. Hay dự án 23 tỷ đồng chống ngập tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) hoạt động không hiệu quả trong trận mưa ngày 31/5.

ngap-ung-do-thi-1-1717483612.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh (Ảnh: Như Ý)

Trước vấn đề nóng này, sáng nay (ngày 4/6), trong chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) đặt vấn đề, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bê tông hóa và các khu dân cư lấn chiếm ao, hồ, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để khắc phục?

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh ghi nhận phản ánh của đại biểu là đúng. Ao, hồ là để điều tiết, giữ nước và tích trữ nước khi mưa lớn, nhất là khi hệ thống thoát nước chảy không kịp. Ao, hồ còn là cảnh quan môi trường trong đô thị nhưng đây cũng là nhân tố gây ngập úng đô thị do mật độ xây dựng.

ngap-ung-do-thi-1717483612.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn Bình Thuận (Ảnh: Quochoi.vn)

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay, nguyên nhân gây ngập úng ở đô thị hiện nay là do quá trình đô thị hóa quá nhanh, xây dựng nhiều dãy phố, dãy nhà, cũng như do hệ thống thoát nước khi mưa lớn chưa bảo đảm ở nhiều nơi. Trước đây, quy hoạch làm chưa bài bản, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, khi xây dựng quy hoạch cũng chưa căn cơ, tính đến lâu dài, nhất là vấn đề thoát nước.

Do đó, Bộ trưởng cho rằng việc chống ngập úng ở đô thị thì hệ thống cần đồng bộ, có thể tích để chứa và thoát nước. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn thời gian tới, có nhiều ao hồ vừa là cảnh quan vừa là nơi tích trữ nước, giữ nước khi mưa lớn, chống tràn, ngập úng ở các đô thị.

“Cần nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị một cách đồng bộ và bài bản, nâng cấp hệ thống thoát nước ở các đô thị, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM…”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói thêm.

ngap-ung-do-thi-2-1717483612.jpg
Tình trạng ngập úng tại các đô thị vẫn chưa được giải quyết dù đã có nhiều dự án chống ngập được triển khai

Cùng trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định, tình trạng ngập lũ, ngập úng đô thị hiện nay diễn ra rất phức tạp.

Trên cơ sở nhận diện các nguyên nhân gây ngập úng, Bộ đặt ra nhiều giải pháp thực hiện như tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước và xử lý nước thải, như: Luật Cấp thoát nước, Luật quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị và và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức có liên quan đến xử lý nước thải.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng lập, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để bảo đảm công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị; tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai quy hoạch, các quy định pháp luật trong công tác xử lý nước thải, thoát nước thải đô thị.