Nhiều người nhập viện do nhiễm khuẩn sau lũ lụt: Cấp bách xử lý nguồn nước

Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn xác định vụ ngộ độc khiến 82 người phải nhập viện cấp cứu là do vi khuẩn tụ cầu vàng, nghi ngờ thực phẩm bị nhiễm khuẩn từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sau lũ.

Sau khi lũ rút, tại xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Cạn) đã ghi nhận 82 trường hợp có các triệu chứng sốt, đau đầu và nôn ói. Những người này đều là học sinh, giáo viên đã dùng bữa trưa tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nông Thượng. Các trường hợp này đã được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế TP. Bắc Kạn và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn.

Theo Sở Y tế Bắc Kạn, nguyên nhân ban đầu được xác định là do vi khuẩn tụ cầu vàng, nghi ngờ nguồn nước dùng để chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Sở Y tế Bắc Kạn đã khuyến cáo người dân cần đảm bảo an toàn thực phẩm sau mưa lũ, thực hiện ăn chín, uống sôi, tập trung khử khuẩn và làm sạch nguồn nước sinh hoạt.

ngo-doc-sau-lu-2-1727756977.jpg
Các em học sinh được điều trị tại bệnh viện

Không riêng tỉnh Bắc Kạn, nguồn nước không sạch sau mưa lũ cũng là vấn đề cấp bách tại nhiều tỉnh phía Bắc. Do ảnh hưởng từ hoàn lưu của bão số 3, có 20 tỉnh, thành miền Bắc đã bị ngập lụt. Trong đó, nghiêm trọng nhất là Lào Cai, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái…

Sau mưa lũ, hệ thống nước sạch tại nhiều khu vực bị hư hỏng hoặc ngừng hoạt động, buộc người dân phải sử dụng nguồn nước từ các giếng khoan, sông suối hay ao hồ bị ô nhiễm. Nước mưa lũ thường mang theo nhiều vi khuẩn, vi sinh vật, và chất thải từ nhiều nơi, bao gồm rác thải, xác động vật chết và các chất hóa học độc hại. Điều này khiến nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn nghiêm trọng, gây ra hàng loạt ca ngộ độc thực phẩm và các bệnh đường tiêu hóa.

Ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý, tình trạng ngập lụt kéo dài trong năm nay khiến vi khuẩn và vi sinh vật dễ dàng lây lan qua nguồn nước, gây khó khăn cho việc kiểm soát vệ sinh môi trường, dẫn đến nguy cơ các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn và viêm gan A. Ông khuyến cáo người dân sau bão lũ cần chú ý: Không ăn rau sống ở vùng bị ngập, thận trọng khi chọn thực phẩm tươi sống và kiểm tra kỹ thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh sau khi mất điện.

Ngoài ra, cần đảm bảo xử lý tốt nguồn chất thải và rửa sạch các dụng cụ chứa nước. Bộ Y tế cũng cảnh báo thực phẩm dễ bị ôi, mốc trong điều kiện thời tiết ẩm ướt sau mưa lũ, và các địa phương cần tăng cường tuyên truyền người dân về an toàn thực phẩm để ngăn ngừa dịch bệnh.

ngo-doc-sau-lu-1727756705.jpg
Nguồn nước không sạch sau mưa lũ là vấn đề cấp bách tại nhiều tỉnh phía Bắc

Nhiều chuyên gia y tế còn lo ngại đợt mưa lũ vừa qua diễn ra trên diện rộng, dẫn đến nguồn nước có thể di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác. Nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan từ vùng dịch này đến vùng dịch khác rất cao. Đặc biệt, gia cầm bị chết do mưa lũ, xác động vật có thể trôi nổi, di chuyển đến các tỉnh thành khác cũng có thể mang theo dịch bệnh đang lưu hành ở địa phương đó.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, tình trạng ô nhiễm nguồn nước sau mưa lũ còn gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế tại các địa phương. Các trung tâm y tế và bệnh viện thường xuyên quá tải vì số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng đột biến sau mưa lũ. Nhiều địa phương còn thiếu trang thiết bị y tế, thuốc men và nhân lực để đối phó với tình trạng bùng phát bệnh sau mưa lũ.

Để giảm thiểu tình trạng này, các chuyên gia y tế đã đưa ra nhiều khuyến cáo cho người dân về việc sử dụng nước sạch và đảm bảo an toàn thực phẩm sau mưa lũ. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn nước và thực phẩm sau mưa lũ. Các trạm y tế cơ sở cần có kế hoạch dự phòng, cung cấp đủ thuốc men, hóa chất khử trùng nước và hướng dẫn người dân về các biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm và nước sạch sau mưa lũ là rất cần thiết để phòng tránh các bệnh liên quan đến nguồn nước ô nhiễm. Chính quyền địa phương cũng cần có những biện pháp quyết liệt hơn trong việc đảm bảo cung cấp nước sạch và nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước những nguy cơ tiềm ẩn sau mưa lũ.