Nỗi lo sạt lở đe dọa an toàn của hàng ngàn học sinh tại nhiều tỉnh

Miền Bắc đang bị lũ lụt, còn miền Nam đang trong mùa mưa khiến nhiều vùng đồi núi trong tình trạng “ngậm no nước”, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn của học sinh khi nhiều ngôi trường nằm ngay dưới chân núi.

Lớp học tạm từ tre và bạt

Hoàn lưu bão số 3 đã gây ra mưa lớn và lũ lụt tại nhiều tỉnh phía Bắc. Tới thời điểm hiện tại, thiệt hại về cả người và tài sản do mưa lũ là rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn của các tỉnh phía Bắc vẫn chưa hết bởi khi lũ rút, những ngọn núi ngậm no nước lại tiềm ẩn sạt lở.

Hai tuần nay, thầy và trò Trường tiểu học Ca Thành (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) phải học nhờ tại trường mầm non cùng tên ở cách đó chừng 1km do nguy cơ cao bị sạt lở, không đảm bảo an toàn. Cô Hoàng Thị Hằng (giáo viên chủ nhiệm lớp 3A, Trường tiểu học Ca Thành) cho biết, lớp học tạm được quây bạt, bên trên là mái tôn nên ngày trời nắng thì rất nóng vì không có quạt, còn trời mưa thì nước hắt vào.

lop-hoc-tam-7-1727172751.jpg
Lớp học tạm được quây bạt, bên trên là mái tôn

Học ở lớp tạm nên không có công nghệ thông tin, không có máy chiếu dẫn đến học sinh không tiếp thu được những kiến thức rộng mở. Cô Hằng mong muốn lớp học mới sớm được xây dựng để các em học sinh có chỗ học tập ổn định.

Cô Hoàng Thị Hường - Hiệu trưởng Trường tiểu học Ca Thành cho biết, nhà trường có 358 học sinh học tập tại 8 điểm trường. Ảnh hưởng mưa bão số 3, điểm trường chính bị sạt lở ta-luy ở mặt trước sân, còn đồi núi phía sau trường cũng có vết nứt dài khoảng 50mm, nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở. Nhà trường đã báo cáo lên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, chuyển 3 lớp lên trường mầm non học tập để bảo đảm an toàn.

Nhà trường đã mua bạt quây sân khấu của trường mầm non thành 2 lớp, còn 1 lớp thì học ở khu vực bếp ăn ngoài hiên có mái tôn của trường mầm non. Toàn trường đã trở lại việc học tập từ 17/9.

Trước đó, chính quyền địa phương cũng xã Pi Toong (huyện Mường La, Sơn La) đã xây dựng lớp học tạm cho các em học sinh mầm non và tiểu học của bản Nà Trà. Ông Lò Văn Phiêu - Chủ tịch UBND xã Pi Toong cho biết, địa điểm di tản cách khu vực cũ khoảng 800m. Công tác dựng lớp học tạm thời chỉ diễn ra trong vỏn vẹn hai ngày.

Ngày thứ nhất, cán bộ, chiến sĩ, giáo viên, phụ huynh, người dân chia nhau lên đồi tìm kiếm tre, nứa. Ngày thứ hai, tất cả mọi người cùng tiến hành dựng lớp học. Lớp học đơn sơ được dựng lên với diện tích khoảng 60m2, chủ yếu bằng tre nứa, che mái bằng fibro và căng bạt chắn mưa gió. Lớp được chia làm hai gian cho lớp mầm non và tiểu học.

lop-hoc-tam-2-1727172108.jpg
Chính quyền địa phương cũng xã Pi Toong đã dựng phòng học tạm bằng tre nứa cho các em học sinh mầm non và tiểu học của bản Nà Trà

Học trong tâm thế “sạt lở bất cứ lúc nào”

Trường tiểu học Quang Trung (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) có diện tích khoảng 15.000m², gồm 18 phòng học, 4 phòng bộ môn, khu hiệu bộ, nhà đa năng... Năm học 2024 - 2025, trường có tổng số 580 học sinh. Nhưng hiện nay, thầy và trò của ngôi trường này đang vừa giảng dạy, học tập vừa lo sợ sạt lở từ quả đồi phía sau trường.

Ông Nguyễn Thanh Lịch - Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung cho biết, quả đồi dốc đứng, độ cao từ 40 - 70m so với vị trí xây dựng các phòng học. 2 năm trở lại đây, ngọn đồi sạt lở, bùn đất trôi xuống tràn vào gây ngập úng trong khuôn viên nhà trường. Lâm Đồng đang giữ mùa mưa khiến tình trạng mất an toàn sạt trượt, lở đất càng lộ rõ.

Ông Lịch chia sẻ, hiện nay, mỗi khi trời mưa to, gió lớn, nhà trường rất lo lắng, bất an vì ngọn đồi có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào, rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra với hậu quả khó lường.

lop-hoc-tam-6-1727172752.jpg
Biển cảnh báo nguy hiểm tại Trường tiểu học Quang Trung

Trước tình trạng này, UBND thị trấn Đạ Tẻh đã triển khai giải pháp tạm thời nhằm giảm thiểu tác động từ sạt lở đồi đất đến nhà trường như tiến hành múc đất, tạo thành một hồ chứa lắng, xây dựng bờ kè cao khoảng 1m để ngăn bùn đất chảy trực tiếp vào trường. Nhà trường cũng đã xây dựng hàng rào, cắm biển cảnh báo để giáo viên và học sinh không di chuyển đến khu vực này.

Tuy nhiên, theo ông Lịch, việc này chỉ hạn chế đất lỏng, nước tràn vào khuôn viên trường. Về lâu dài nhà trường rất cần một công trình kè chống sạt, lở kiên cố.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, huyện đã có văn bản trình UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư xây dựng kè chống sạt lở khu vực Trường tiểu học Quang Trung, dự kiến 8 tỷ đồng. Nếu đầu tư theo quy trình thông thường thì tối thiểu phải sau 5 tháng nữa dự án kè này mới được triển khai.

Như vậy, sự an toàn của học sinh, giáo viên sẽ bị ảnh thưởng do sạt lở đất có thể bất ngờ xảy đến. Do đó, UBND huyện chờ UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để có thể vận dụng cơ chế đầu tư đặc biệt, bảo vệ an toàn của ngôi trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến các trường học ở 18 tỉnh, thành bị mất gần 41.600 bộ sách giáo khoa. Trong đó, tỉnh thiệt hại nặng nề nhất là Yên Bái với gần 28.700 bộ sách. Đứng thứ hai là Cao Bằng với hơn 7.400 bộ sách. Riêng tỉnh Lào Cai, cơ quan chức năng vẫn đang tổng hợp. Đây là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3.

Bộ đã chỉ đạo các nhà xuất bản chuẩn bị, sẵn sàng cung ứng sách giáo khoa tới các địa phương bị ảnh hưởng do bão, để việc học tập không bị gián đoạn. Bộ cũng kêu gọi các nhà xuất bản, tổ chức và cá nhân tài trợ sách giáo khoa cho học sinh.

Về cơ sở vật chất, ngành giáo dục 18 tỉnh, thành ước tính thiệt hại hơn 514,7 tỷ đồng, trang thiết bị dạy học hơn 745,8 tỷ đồng. Có nhiều ngôi trường không thể khôi phục để có thể đón học sinh trở lại sau bão lũ. Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ để trước mắt dựng trường tạm, sau đó có nguồn kinh phí xây dựng lại.

(Tổng hợp)