Phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng

Từ ngày 1/7, dù người dân lỡ chuyển tiền vào tài khoản của bọn lừa đảo rồi thì cũng có thể lấy lại tiền bởi muốn chuyển vào tài khoản, người thực hiện phải xác thực sinh trắc học với giao dịch trên 10 triệu đồng.
chuyen-tien-1711191793.png
Từ ngày 1/7, chuyển tiền từ 10 triệu trở lên phải xác nhận bằng vân tay và khuôn mặt

Thời gian qua, nhiều người dân đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn tinh vi như tự xưng là cơ quan chức năng như công an, thanh tra giao thông... rồi đưa ra các tình huống khiến người dân mất cảnh giác, truy cập vào phần mềm và đường link có mã độc. Sau đó, chúng vào tài khoản, thậm chí chiếm quyền kiểm soát điện thoại để lấy sạch tiền trong tài khoản.

Như hiện nay, cộng đồng mạng đang xôn xao thông tin Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) bị nhóm lừa đảo công nghệ cao, đăng nhập vào tài khoản ngân hàng, lấy đi số tiền hơn 100 tỷ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng vẫn đang được Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng nhiều đơn vị nghiệp vụ điều tra.

Thông tin vụ việc khiến nhiều người lo ngại tài khoản ngân hàng của mình cũng có thể bị đánh cắp chuyển tiền đi. Tuy nhiên, từ ngày 1/7 tới đây, khi chuyển tiền trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay.

Nội dung này nằm trong Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước. Dấu hiệu sinh trắc học có thể được xác định bằng dữ liệu lưu trong chip của căn cước công dân, tài khoản Vn-eID hoặc trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng. Công nghệ này được xem sẽ hạn chế tối đa khả năng làm giả và sẽ có tính bảo mật cao nhất.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học cho một số loại giao dịch trong thanh toán trực tuyến trên internet (Internet Banking, Mobile Banking). Ngoài giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng thì tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng cũng phải được xác thực bằng sinh trắc học.

Đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, thời gian áp dụng các quy định trong quyết định này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025.

chuyen-tien-1-1711191792.png
Thời gian qua đã có nhiều người bị lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Quyết định số 2345 có thể hiểu đơn giản là chuyển từ 10 triệu đồng trở xuống và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì không phải xác thực sinh trắc học. Khi số tiền chạm 20 triệu đồng thì đến lần chuyển tiếp theo, dù chỉ là 1 đồng thì người thực hiện giao dịch cũng phải xác thực sinh trắc học trước khi chuyển. Quy định này nhằm ngăn chặn thiệt hại cho chủ tài khoản khi kẻ gian rút tiền nhiều lần với số lượng lớn.

Nếu không may bị kẻ gian lấy tiền trong tài khoản thì tối đa chủ tài khoản mất là 20 triệu đồng. Sau đó, chủ tài khoản không thể bị mất được nữa dù đối tượng phạm tội có chiếm cả quyền điều khiển điện thoại. Vì xác thực sinh trắc học là khuôn mặt thật chứ không phải hình ảnh cài trên điện thoại. Tức là, người thực hiện chuyển tiền phải soi khuôn mặt mình vào ứng dụng, nhìn lên nhìn xuống để đảm bảo đây là hình ảnh sống. Khuôn mặt của người thực hiện chuyển tiền được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học từ căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an quản lý.

Ông Phạm Anh Tuấn thông tin thêm, kết quả điều tra những vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân thời gian qua thì có đến 99% vụ việc không lần ra được dấu vết của bọn tội phạm. Vì tiền được chuyển đến những tài khoản được thuê, mượn mua bán sau đó được chuyển qua tài khoản khác. Việc truy tìm đối tượng lừa đảo rất khó khăn.

Nhưng từ ngày 1/7, kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của bọn lừa đảo rồi thì cũng có thể lấy lại tiền vì người thực hiện phải xác thực sinh trắc học với giao dịch trên 10 triệu đồng. Còn trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của mình để chuyển tiền, cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính qua đối chiếu với thông tin trên căn cước gắn chip.