Sáng ngày 19/5, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM đã tổ chức kỳ họp chuyên đề nhằm thông qua một số tờ trình phát triển kinh tế. Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Dũng đã báo cáo trình HĐND thành phố “Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060”. Trong đó, dự kiến định hướng phát triển đô thị thành phố theo 5 phân vùng.
Cụ thể, vùng trung tâm: ranh giới phía Bắc, phía Tây là đường Vành đai 2, phía Nam là kênh Đôi - kênh Tẻ, phía đông là sông Sài Gòn. Tổng diện tích khoảng 17.000ha bao gồm các quận 1, 3,4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, quận Bình Tân, một phần quận 12. Quy mô dân số hiện hữu (số liệu năm 2019) khoảng 4,5 triệu người.
Vùng đô thị phía Đông có tổng diện tích khoảng 21.000ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1,1 triệu người, đã thành lập thành phố Thủ Đức.
Vùng đô thị phía Bắc - Tây Bắc: ranh giới phía Bắc giáp Tây Ninh, phía Tây giáp tỉnh Long An, phía Nam là ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh và đường Vành đai 2. Bao gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, một phần Quận 12. Tổng diện tích khoảng 58.500 ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1,4 triệu người.
Vùng đô thị phía Tây: Tổng diện tích khoảng 23.300ha, ranh giới phía Bắc giáp ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh; ranh giới phía Nam giáp rạch tỉnh Long An; phía Đông giáp đường Vành đai 2 và sông cần Giuộc; phía Tây và phía Nam là tỉnh Long An. Bao gồm phần lớn huyện Bình Chánh, quy mô dân số (2019) khoảng 840.000 người.
Vùng đô thị phía Nam: ranh giới phía Bắc giáp kênh Đôi kênh Tẻ, ranh giới phía Nam giáp tỉnh Long An và biển Cần Giờ, phía Đông giáp sông Đồng Nai, phía Tây là sông Cần Giuộc. Bao gồm Quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh, và toàn bộ huyện Cần Giờ. Tổng diện tích 93.300 ha, trong đó có Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, quy mô dân số (2019) khoảng 1,2 triệu người.
Theo UBND thành phố, với chiến lược phân vùng như trên, kết hợp mô hình đô thị đa trung tâm gắn với đa dạng không gian sinh thái, hợp lưu sức mạnh thiên nhiên, nguồn lực về kinh tế, linh hoạt với các phạm vi và nguyên tắc.
Trước đó, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM đến năm 2040 có nhiều điều chỉnh, trong đó có đề xuất phát triển thành phố theo mô hình tập trung đa cực. Các quận, huyện, thành phố thuộc các cực sẽ được đầu tư bài bản và đúng trọng tâm, không ngoài mục tiêu phát triển bộ mặt đô thị, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, các địa bàn phía Bắc Sài Gòn, cùng với khu vực nằm dọc theo hai bên bờ sông Sài Gòn như quận 12, huyện Củ Chi, khu vực Thành phố Thuận An (Bình Dương), sẽ được gấp đôi cơ hội và tiềm năng phát triển trong những năm tới.
Tuy nhiên, bằng những kinh nghiệm đã từng theo hướng phát triển đô thị đa cực tại Quy hoạch chung 24 (Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ ), TP.HCM đánh giá cấu trúc đô thị vẫn còn những tồn tại hạn chế như chưa hình thành rõ nét các trung tâm lớn, các cực vẫn chủ yếu phát triển theo kiểu lan rộng. Trong khi mục tiêu của Quy hoạch chung 24 là hạn chế phát triển đô thị dàn trải.
Ở nhiều khu vực phát triển mới, tình trạng thiếu hạ tầng khung đô thị kết nối, dẫn tới tình trạng phát triển tự phát, thiếu sự đồng bộ. Ngoài ra, có một số khu vực phát triển trong hành lang thoát lũ, vùng ngập…nhưng lại chưa có các chức năng phù hợp.
Do đó, sau khi đánh giá nội dung định hướng của Quy hoạch chung 24, TP.HCM thấy rằng, mô hình đa cực khó khả thi khi triển khai. Cần nghiên cứu một mô hình đã trung tâm để phù hợp với định hướng quy hoạch vùng và điều kiện đầu tư thực tiễn của thành phố.