Vừa qua, PwC - một trong bốn Công ty Kiểm toán hàng đầu thế giới đã công bố một số nghiên cứu về hoạt động chuyển đổi số của các ngân hàng ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, báo cáo cho biết các ngân hàng ở khu vực này đang tập trung nỗ lực vào tương tác của khách hàng và gia tăng trải nghiệm song song với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động. Cụ thể, họ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập, chi phí thu hút khách hàng và đạt được mức tăng trưởng doanh thu cao nhất thông qua số hóa. Phần lớn các ngân hàng đã bắt đầu số hóa các kênh khách hàng đầu cuối, hoạt động xây dựng hệ sinh thái đối tác cũng được ưu tiên trong việc áp dụng chuyển đổi số. Các biện pháp khác thúc đẩy chuyển đổi số cũng được áp dụng một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, mục tiêu số hóa đã đề ra của các ngân hàng này hầu hết chưa đạt được.
Nguyên nhân được đưa ra tập trung chủ yếu vào những vấn đề sau:
Thứ nhất, việc triển khai và ứng phó với các mối đe dọa. Được biết, quan tâm hàng đầu của các ngân hàng khi số hóa là những nguy cơ tiềm ẩn về khả năng triển khai, vận hành không hiệu quả trên thực tế. Bên cạnh đó là những lo ngại về các mối đe dọa an ninh mạng. Đồng thời, cần thận trọng khi thực hiện các sáng kiến chuyển đổi số.
Thứ hai, giảm thiểu sự gián đoạn từ các công ty Fintech. Số lượng các công ty Fintech ngày càng gia tăng trong ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng và dự đoán Fintech có mức độ gián đoạn vừa phải trong tương lai gần. Khi mô hình tiếp tục được đổi mới và cải tiến tốt hơn thì việc “đi tắt đón đầu” đối thủ cạnh tranh bằng cách ưu tiên chuyển đổi số là hết sức cần thiết.
Các ngân hàng đang hiện đại hóa hạ tầng công nghệ và cơ sở hạ tầng. Đồng thời, thiết lập quan hệ đối tác với Fintech và nền tảng kỹ thuật số làm phương thức chính để tăng tốc. Hiện tại, các ngân hàng đang tập trung nhiều nguồn lực vào thúc đẩy chuyển đổi số thông qua cải tiến các hoạt động số hóa và xử lý xuyên suốt, liền mạch. Đặc biệt, một số ngân hàng tích cực tham gia vào các sáng kiến chuyển đổi trên quy mô rộng bằng cách xây dựng kiến trúc mô-đun mở rộng để hiện đại hóa và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, khả năng phát triển của chi nhánh ngân hàng trong thời kỳ 4.0. Khi số hóa các dịch vụ ngân hàng, khách hàng có khả năng tự phục vụ nên ngân hàng mong muốn số lượng chi nhánh sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có định hướng như trên. Từ đó có thể thấy, mặc dù phần lớn người dùng sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ ngân hàng số nhưng các chi nhánh vẫn đóng vai trò quan trọng trong tương lai.
Không nằm ngoài sự phát triển chung của khu vực và thế giới, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ các xu hướng trong tiến trình chuyển đổi số ngân hàng, nhất là khi sự tăng trưởng liên tục trong việc sử dụng và kỳ vọng của người dùng về ngân hàng số. Số lượng người sử dụng Smartphone và các thiết bị thông minh gia tăng nhanh chóng. Bởi vậy, các ngân hàng cũng tập trung vào phát triển chiến lược trên các thiết bị di động, cung cấp nhiều dịch vụ tối ưu hóa cho khách hàng.
Một số chuyên gia nhận định, lĩnh vực được quan tâm trong 3 đến 5 năm tới khi chuyển đổi số ngành ngân hàng là trải nghiệm di động 95%, an ninh mạng 96%, dữ liệu phân tích 83%. Quá trình số hóa các dịch vụ ngân hàng sẽ phụ thuộc vào nguồn lực và chiến lược của ngân hàng đó. Nhìn chung, hầu hết các Ngân hàng Thương mại ở nước ta đã cho ra mắt ứng dụng ngân hàng số trên Smartphone và máy tính như VietinBank iPay, VPBank Online, eBank X của TPBank, VCB Digibank….
Các ngân hàng rất tích cực trong cuộc đua giành lấy thị trường ngân hàng số. Những ứng dụng này không chỉ cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng mà còn bao gồm đầy đủ các tính năng khác chỉ trên một nền tảng. Điển hình như Chatbot - một trong những ứng dụng của công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) trong lĩnh vực ngân hàng. Cùng với việc áp dụng đồng bộ các nền tảng Big Data (Dữ liệu lớn), Machine learning (học máy), Natural language processing (xử lý ngôn ngữ)…Chatbot tương tác bằng phương thức nhập dữ liệu thông tin như giọng nói, cử chỉ, văn bản, chạm. Ở nước ta, Chatbot ngày càng trở nên phổ biến trên các nền tảng xã hội với nhiều tên gọi khác nhau như Trợ lý khách hàng ảo, Trợ lý AI…
Bên cạnh Chatbot, ứng dụng robot RPA - hình thức tự động hóa Quy trình bằng robot software hỗ trợ việc quản lý, tìm kiếm thông tin, xử lý các giao dịch và giao tiếp với các hệ thống được thực hiện hiệu quả, nhanh chóng và thống nhất. Tự động hóa các quy trình bằng RPA được coi là xu hướng mà ngân hàng truyền thống bắt buộc phải chuyển đổi để đủ sức cạnh tranh với chính các dịch vụ số hiện đại mà ngân hàng mình đang cung cấp.
Ngành ngân hàng ở Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm và đầu tư đáng kể. Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cơ bản của ngân hàng số, bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước thì các ngân hàng cần quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi số thông qua một số biện pháp cụ thể như xây dựng lộ trình chuyển đổi số chi tiết bao gồm cốt lõi việc chuyển dịch ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số cùng kế hoạch phân bổ nguồn lực; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn; Không ngừng ứng dụng các công nghệ mới…
Trong bối cảnh hiện nay, ba xu hướng có thể là then chốt thúc đẩy quá trình phát triển của ngành ngân hàng số tại Việt Nam là Thanh toán không tiền mặt; Trí tuệ nhân tạo (AI) và ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).