Shopee, Lazada rơi vào “tầm ngắm” của cơ quan chống độc quyền Indonesia

Cơ quan chống độc quyền ở Indonesia vừa cho biết, Shopee đã thừa nhận hành vi vi phạm quy định chống độc quyền ở nước này. Không chỉ Shopee, Lazada cũng đang đối diện với cuộc điều tra tương tự.

Cơ quan giám sát chống độc quyền của Indonesia vừa cho biết, Shopee và dịch vụ chuyển phát nhanh của họ là Shopee Express đã đồng ý điều chỉnh các hoạt động hiện tại của họ sau khi thừa nhận vi phạm các quy tắc cạnh tranh ở nước này.

Shopee là chi nhánh thương mại điện tử của “gã khổng lồ” công nghệ Đông Nam Á Sea Limited. Thời gian qua, sàn thương mại điện tử này đã liên tục có sự phát triển mạnh mẽ trong khu vực, bao gồm tại thị trường Việt Nam.

“Shopee và Shopee Express thừa nhận đã vi phạm Luật về công nghệ số”, Ủy ban chống độc quyền Indonesia Komisi Pengawas Persaingan Usaha (KPPU) cho biết. Cơ quan này cũng cho hay, Shopee đã đề xuất điều chỉnh các hoạt động hiện tại vào ngày 20/6 và đã được chấp thuận.

shopee-indonesia-1719387357.jpg

Shopee Indonesia vừa thừa nhận hành vi độc quyền trong dịch vụ chuyển phát hàng hóa.

Radynal Nataprawira, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của Shopee Indonesia cho biết: “Shopee Indonesia đã tham dự cuộc họp với KPPU vào ngày 25/6 thảo luận về các điểm trong hiệp ước liêm chính đã được KPPU chia sẻ vào tuần trước. Trước đó, vào ngày 20/6, Shopee đã đề xuất các thay đổi đối với giao diện người dùng để nâng cao dịch vụ của chúng tôi và thể hiện sự tuân thủ của chúng tôi trong việc cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho người dùng, theo phản hồi được KPPU cung cấp và phê duyệt”.

Nếu bị kết tội, Shopee sẽ phải đối mặt với mức phạt tối thiểu 1 tỉ rupiah (khoảng 64.000 USD) và tối đa 50% lợi nhuận ròng, hoặc 10% tổng doanh thu kiếm được trong thời gian vi phạm.

Đại diện Shopee Indonesia cho biết: “Shopee luôn cam kết tuân thủ mọi quy định và luật pháp hiện hành tại Indonesia khi tiến hành hoạt động kinh doanh của mình". Cuối tháng 5, KPPU đã tiến hành cuộc điều tra sơ bộ, cáo buộc Shopee đã ưu tiên Shopee Express trong mọi gói hàng giao cho người tiêu dùng.

KPPU cũng cáo buộc Shopee có “hành vi phân biệt đối xử”, ưu tiên Shopify Express và một dịch vụ giao hàng khác J&T Express. Hai dịch vụ giao hàng này đã được “Tự động được kích hoạt hàng loạt trên bảng điều khiển của người bán”, trong khi các công ty khác cũng có hiệu suất dịch vụ tốt không được tự động chọn. 

Cơ quan điều tra KPPU cũng nêu tên một nhân viên từng giữ chức vụ giám đốc cả ở Shopee Indonesia và Shopee Express cho rằng “vị trí kép” này có khả năng tác động đến cạnh tranh và kiểm soát hành vi của cả hai công ty. Hành vi như vậy đã dẫn đến "khối lượng vận chuyển tăng đáng kể" cho các đơn vị liên kết này, đặc biệt là Shop Xpress.

lazada-1719388184.jpg

Không chỉ Shopee, Lazada cũng đang trong "tầm ngắm" của cơ quan chống độc quyền Indonesia.

KPPU cũng đang thăm dò đối thủ của Shopee là Lazada – chi nhánh của công ty thương mại điện tử Đông Nam Á Alibaba với những cáo buộc tương tự. "Nếu sau đó được chứng minh là vi phạm pháp luật, Lazada có thể bị phạt với mức phạt tối đa là 50% lợi nhuận ròng hoặc 10% tổng doanh thu mà họ thu được trên thị trường liên quan trong thời gian vi phạm", ông M. Fanshurullah Asa, lãnh đạo KPPU, cho biết trong tuyên bố ngày 27/5.