Thu hồi dự án chậm triển khai để tháo “nút thắt” nguồn cung

Quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc xử lý dứt điểm các dự án bị bỏ hoang cũng là một trong những biện pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn cung của thị trường bất động sản hiện nay.

Ngay từ đầu năm 2025, UBND TP. Hà Nội đã quyết định thu hồi hàng loạt khu "đất vàng" do chậm triển khai, bao gồm 3.500m² tại số 275 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), 4.000m² thuộc Dự án Khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và một ô đất trên mặt đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân). Các khu đất này hiện do Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội quản lý.

Dự án “treo” làm mất đi nhiều cơ hội kinh doanh

Đây chỉ là một phần trong số hàng trăm dự án chậm tiến độ hoặc có sai phạm mà thành phố đang lên kế hoạch thu hồi nhằm sử dụng hiệu quả hơn, phục vụ các kế hoạch phát triển mới hoặc tổ chức đấu giá để tăng nguồn thu ngân sách.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, tình trạng dự án bị trì hoãn, điều chỉnh nhiều lần không chỉ làm đội vốn mà còn giảm hiệu quả đầu tư, gây lãng phí lớn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách còn yếu kém, trong khi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

Hiện Hà Nội có gần 800 dự án ngoài ngân sách bị chậm tiến độ, trong đó phần lớn đã kéo dài hơn 10 năm. Thành phố đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án để tiếp tục triển khai, đồng thời kiên quyết thu hồi những dự án không thể thực hiện do vướng mắc khách quan.

Những động thái quyết liệt này được kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm nguồn cung bất động sản tại Thủ đô, nguyên nhân chính khiến giá nhà đất tăng mạnh trong thời gian qua. Việc thu hồi và tái quy hoạch các dự án bỏ hoang sẽ giúp Hà Nội có thêm quỹ đất lớn, tạo cơ hội phát triển các công trình công cộng hoặc Khu đô thị mới.

thu-hoi-khu-dat-vang-1739879295.jpeg
Hà Nội thu hồi khu 3.557 m2 "đất vàng" tại 275 Nguyễn Trãi của một công ty con thuộc Tập đoàn Hoàng Huy do chậm triển khai

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố đã hủy hơn 100 dự án, thu hồi hàng nghìn héc-ta đất để đấu thầu, đấu giá. Nếu triển khai hiệu quả, nguồn cung nhà ở sẽ được bổ sung đáng kể, giúp bình ổn giá cả và phù hợp hơn với thu nhập của người dân.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính, nhận định rằng các dự án "treo" không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn làm thất thu thuế và mất đi nhiều cơ hội kinh doanh. Ông kỳ vọng khi hành lang pháp lý được hoàn thiện, đặc biệt khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, thị trường bất động sản sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn, chuyên gia pháp lý bất động sản thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng nhấn mạnh rằng Luật Đất đai 2013 và phiên bản sửa đổi năm 2024 đã quy định rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư. Theo đó, nếu dự án chậm triển khai quá 24 tháng so với tiến độ cam kết, sẽ bị thu hồi. Điều này buộc các doanh nghiệp phải đưa đất vào khai thác thương mại, tránh tình trạng đất bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực lớn của Nhà nước.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc xử lý dứt điểm các dự án bị bỏ hoang. Nếu các khu đất có vị trí đắc địa được tận dụng đúng mục đích, thay vì bị lãng phí, chúng có thể trở thành không gian công cộng, trường học hoặc các khu đô thị hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

Nguồn cung dự kiến tăng 30 – 40%

Bên cạnh các biện pháp quyết liệt nhằm thu hồi và tái sử dụng quỹ đất, sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật cùng quyết tâm cải tổ bộ máy hành chính của Nhà nước đang tạo ra kỳ vọng lớn cho thị trường bất động sản. Trước đây, để triển khai một dự án, doanh nghiệp phải trải qua 30 - 40 thủ tục hành chính, gây cản trở lớn và khiến nhiều chủ đầu tư phải chùn bước.

Tuy nhiên, với việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các bộ, ngành liên quan, quy trình pháp lý dự kiến sẽ trở nên nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả hơn. Theo các công ty nghiên cứu thị trường, năm 2025 sẽ là giai đoạn bất động sản có sự bứt phá mạnh mẽ nhờ chính sách đầu tư công, phát triển hạ tầng và đẩy mạnh phân khúc nhà ở xã hội.

Dữ liệu từ Dat Xanh Services - FERI cho thấy kịch bản lạc quan nhất là nguồn cung mới có thể tăng 30% - 40%, lãi suất thả nổi dao động trong khoảng 10% - 12%, giá bán tăng 10% - 15% và tỷ lệ hấp thụ đạt 35% - 40%. Đây là những tín hiệu tích cực, góp phần củng cố niềm tin vào sự phát triển bền vững của thị trường trong tương lai gần.

nguon-cung-tt-bds-1739879394.jpg
Dữ liệu từ Dat Xanh Services - FERI cho thấy kịch bản lạc quan nhất là nguồn cung mới có thể tăng 30% - 40% trong năm 2025

Chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - BĐS Dat Xanh Services nhận định rằng thị trường đã trải qua nhiều biến động, từ khủng hoảng đến phục hồi. Giai đoạn 2024 - 2025 được xem là bước tích lũy và chuẩn bị, với các dấu hiệu hồi phục rõ ràng hơn từ năm 2026 nhờ nền kinh tế ổn định, khung pháp lý hoàn thiện và niềm tin thị trường được củng cố. Việc các luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực từ tháng 8/2024 sẽ là nền tảng vững chắc giúp tăng tính minh bạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và gia tăng nguồn cung nhà ở.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, ông Lê Hoàng Châu, đề xuất Chính phủ sớm ban hành các nghị định hướng dẫn để khắc phục những bất cập pháp lý, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho các dự án tại TP. HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Việc có cơ chế chính sách phù hợp sẽ giúp khai thông nguồn cung, tạo điều kiện cho thị trường vận hành hiệu quả hơn.

Báo cáo từ CBRE Việt Nam dự báo rằng trong giai đoạn 2025 - 2026, nguồn cung căn hộ tại TP HCM sẽ được cải thiện đáng kể, với khoảng 8.000 - 9.000 căn hộ vào năm 2025 và tăng lên 11.000 căn hộ năm 2026.

Trong khi đó, DKRA Group kỳ vọng nguồn cung căn hộ có thể dao động từ 13.000 - 15.000 căn, tập trung tại TP.HCM và Bình Dương, cùng với 3.000 - 3.500 nền đất tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An, những khu vực được hưởng lợi từ các dự án hạ tầng lớn như Vành đai 3, Vành đai 4 và sân bay Long Thành.