TP. HCM: Gần 140 trẻ em, người lang thang xin ăn được đưa vào cơ sở bảo trợ mỗi tháng

Từ đầu năm đến nay, các tổ công tác trên địa bàn TP. HCM đã tiến hành thu dung, đưa về các cơ sở bảo trợ xã hội 697 trẻ em, người lang thang xin ăn. Như vậy, mỗi tháng TP. HCM bình quân thu dung gần 140 trường hợp.

Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM đã có báo cáo công tác 5 tháng đầu năm. Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến ngày 5/5, các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở đã thực hiện tiếp nhận ban đầu 697 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác.

Riêng trong tháng 5, các đơn vị đã tiếp nhận ban đầu 128 trường hợp, trong đó 25 trường hợp có dấu hiệu tâm thần (số liệu được thống kê từ ngày 5/4 đến 5/5). Như vậy, mỗi tháng TP. HCM bình quân thu dung gần 140 trẻ em, người lang thang xin ăn.

tre-lang-thang-1718086742.jpg
Tại nhiều tuyến đường của TP. HCM dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ ăn mặc nhếch nhác đứng chờ người qua đường thương xót (Ảnh: Hoàng Tuyết)

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM cho hay, nhiều năm qua công tác phối hợp thu dung trẻ em, người lang thang xin ăn được Sở thực hiện ráo riết nhưng đến nay vẫn còn tồn tại tình trạng này trên đường phố.

Thực tế ghi nhận, tại nhiều tuyến đường của TP. HCM dễ dàng bắt gặp đứa trẻ ăn mặc nhếch nhác cầm theo ca nhựa đứng chờ ở ngã tư đèn giao thông chờ người qua đường thương xót…

Tại hội thảo chuyên đề về tình hình bạo lực, xâm hại, bóc lột sức lao động trẻ em do Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM tổ chức mới đây, nhiều đại biểu khẳng định tình trạng bóc lột sức lao động vẫn đang diễn ra ngay tại thành phố.

Theo bà Trần Kim Thanh - Trường phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM), lâu nay, quan điểm nhất quán của ngành lao động thành phố là tuyên truyền người dân không nên cho tiền người lang thang, trẻ ăn xin trên đường phố.

“Việc cho tiền hay làm từ thiện tự phát không đúng cách sẽ vô tình khiến người được trợ giúp ỉ lại, kéo theo nhiều vấn nạn xã hội khác. Đặc biệt, khi cho tiền, thức ăn, quà tặng hay mua bất cứ thứ gì, nghĩ là bạn đang khuyến khích các em tiếp tục làm công việc này, những đối tượng trục lợi lại càng có thêm quyết tâm đẩy trẻ em ra đường nhiều hơn”, bà Thanh cho biết.

tre-lang-thang-1-1718086743.jpg
Mỗi tháng TP. HCM bình quân thu dung gần 140 trẻ em, người lang thang xin ăn (Ảnh: Lê Quân)

Theo ông Trần Đức Tài - Phó trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Tân Bình, khó khăn lớn nhất của ngành khi thu dung người lang thang, xin ăn là đa phần họ đều có địa chỉ cư trú rõ ràng ở TP.HCM. Khi cơ quan chức năng phát hiện, người nhà đến xin về, sau đó họ lại tiếp tục hoạt động ở chỗ cũ hoặc di chuyển sang chỗ khác để xin ăn.

Bà Thanh cũng cho hay, có nhiều cách tốt hơn để đồng hành, giúp đỡ các trẻ em cơ nhỡ, người lang thang, nghèo khó thay vì cho tiền, thức ăn…Khi phát hiện những hoàn cảnh thực sự khó khăn, người dân có thể giới thiệu đến các cơ sở bảo trợ, các tổ chức xã hội, mạnh thường quân, các dịch vụ hỗ trợ trẻ em tại địa phương…

Hiện, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM đang quản lý 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập, 1 cơ sở giáo dục và 1 cơ sở đào tạo nghề, chăm sóc nuôi dưỡng hơn 6.300 người. Trong đó có 850 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.768 người cao tuổi, 4.110 người khuyết tật đặc biệt nặng (bệnh tâm thần là 2.515 người).

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 64 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập có giấy phép, đang chăm sóc nuôi dưỡng 2.836 trường hợp. Trong đó có 1.574 trẻ em dưới 16 tuổi, 884 người cao tuổi, 151 người khuyết tật và 230 đối tượng khác.