TP. HCM: Tăng cường quản lý người lang thang, xin ăn trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM vừa có văn bản khẩn yêu cầu tăng cường quản lý trẻ em, người lang thang, xin ăn nhằm hạn chế tình trạng những đối tượng này chèo kéo du khách tới tham quan thành phố trong kỳ nghỉ lễ kéo dài sắp tới.

Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM đã có văn bản khẩn gửi Công an TP. HCM cùng các địa phương, đơn vị liên quan về việc tăng cường quản lý, tập trung trẻ em, người xin ăn, lang thang và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn thành phố nhân dịp lễ 30/4 và 1/5.

Hoạt động này nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị tại các di tích lịch sử - văn hoá, lễ hội, sự kiện và các địa điểm tập trung đông người trên địa bàn TP. HCM trong dịp nghỉ lễ.

quan-ly-nguoi-an-xin-2-1714017842.jpg
Trẻ em chèo kéo người đi đường

Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM đề nghị: Công an TP. HCM chỉ đạo công an các địa phương khi phát hiện đối tượng có hành vi chăn dắt, dụ dỗ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật đi xin ăn để trục lợi thì khẩn trương thu thập thông tin, xác minh và xử lý theo đúng quy định...

Lực lượng thanh niên xung phong TP. HCM bố trí các trật tự viên trực tại các địa điểm được phân công, khi phát hiện trẻ em, người lang thang, xin ăn thì báo ngay với tổ công tác hoặc chính quyền, công an địa phương, đồng thời phối hợp ngăn chặn, xử lý.

UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức được đề nghị xây dựng kế hoạch quản lý, tập trung trẻ em, người xin ăn, lang thang và các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác đăng ký lưu trú, tạm trú, xác minh nơi cư trú và giải quyết hồi gia với những đối tượng có địa chỉ cư trú trên địa bàn, đồng thời quan tâm hỗ trợ sinh kế cho cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

quan-ly-nguoi-an-xin-1714017842.jpg
Nhiều người lang thang được đưa về trung tâm bảo trợ, thực chất đều có nơi ở trên địa bàn TP. HCM

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM cũng đề nghị UBND TP. Thủ Đức cùng các quận, huyện bố trí tổ công tác phối hợp các cơ quan liên quan ứng trực tại các di tích lịch sử như: Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn (quận 3), Dinh Độc Lập (quận 1), Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi), Di tích Lịch sử chiến khu Rừng Sác (Cần Giờ)...

Việc này nhằm mục đích không để xảy ra tình trạng trẻ em, người lang thang, xin ăn chèo kéo du khách làm mất sự trang nghiêm tại các di tích, cũng như hình ảnh thành phố trong mắt khách du lịch

Trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM cho biết, đã có 522 trường hợp trẻ em, người lang thang, xin ăn được các quận huyện tập trung rồi bàn giao về các trung tâm bảo trợ trong 3 tháng đầu năm 2024. Con số này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng nói là hầu hết những người lang thang được đưa về trung tâm bảo trợ đều có nơi ở trên địa bàn TP. HCM. Khi vừa được tập trung về trụ sở cơ quan chức năng, những người này không xuất trình được giấy tờ. Nhưng sau đó, người nhà của họ đã đem giấy tờ tới để xin về.

quan-ly-nguoi-an-xin-1-1714018220.jpg
Người ăn xin thường tập trung tại các nút giao thông đông đúc

Đến nay, TP. HCM đã ban hành nhiều giải pháp để kịp thời phát hiện, tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn. Ngoài các biện pháp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM, thì Sở Thông tin - Truyền thông cũng vào cuộc khi chỉ đạo Tổng đài 1022 tiếp nhận tin báo của người dân về các trường hợp lang thang, xin ăn, rồi chuyển về địa phương để giải quyết.

Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên đường cũng được giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát nếu phát hiện trường hợp lang thang, xin ăn thì báo ngay cho cấp trên để tập trung về cơ sở bảo trợ xã hội…