TP. HCM: Kiến ba khoang “tấn công” nghiêm trọng nhà dân và những khuyến cáo từ bác sĩ

Thời gian gần đây, tình trạng kiến ba khoang bay vào nhà dân tăng cao tại TP. HCM. Theo Bệnh viện Da liễu TP. HCM, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận từ 50 - 70 người đến khám vì bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang.

Bà P.N.L (quận 8) đưa con trai đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP. HCM. Bà cho biết, mấy ngày nay mưa, buổi tối kiến ba khoang bay vào nhà rất nhiều. Con trai bà không biết, tưởng là kiến thông thường nên đã bắt giết, rồi trải chiếu ra sàn ngủ. Sáng hôm sau ngủ dậy, mặt con trai đỏ ngầu, 2 bên tai nổi mụn nước, mắt sưng nổi mụn mủ. Bà L. nghĩ con dị ứng nên ra tiệm mua thuốc Tây về uống nhưng tình trạng không cải thiện.

Lúc này, bà vội đưa con tới bệnh viện khám thì mới biết là do tiếp xúc với kiến ba khoang. Bà L. cho biết thêm, sau khi giết kiến, con bà không rửa tay. Tối đó, con bà lại sử dụng bông gòn nhét vào tai nên dịch của kiến ba khoang tiếp xúc với vùng tai gây mụn mủ. Con bà còn có thói quen đưa tay lên mặt nên sáng ngủ dậy nổi sần cả vùng mặt.

kien-ba-khoang-1720007576.jpg
Vết thương do kiến ba khoang gây ra

Chị Y.T (quận Bình Thạnh) cũng phải vào viện do kiến ba khoang. Chị Y.T cho hay, buổi tối ngồi làm việc, thấy con gì bò ở cổ, chị không nghĩ là kiến ba khoang nên lấy tay hất ra. Khoảng 5 phút sau, chị thấy vùng da cổ rát, ngứa. Sáng hôm sau, vùng da cổ này nổi mụn nước, đau rát.

ThS.BS Phạm Thị Uyển Nhi - Bệnh viện Da Liễu TP. HCM cho biết, mùa mưa có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp để kiến ba khoang sinh sản. Người dân khi tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang sẽ gây ra tình trạng kích ứng da, xuất hiện mụn nước, vết rộp trên bề mặt da. Tình trạng này sẽ lan rộng nếu người bệnh chăm sóc vết thương không đúng cách, hoặc cào gãi vào vết thương.

Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, trong thân kiến ba khoang có chất độc pederine (C24H43O9N) có thể gây bỏng da. Khi da người tiếp xúc với chất tiết của kiến ba khoang thì sẽ bị viêm nhiễm tại vùng da đó. Nếu chất tiết này dính vào da tay mà không rửa ngay thì có thể dính vào vùng khác trên cơ thể, gây viêm da lan tỏa. Vị trí đầu, cổ, mặt, tay, chân, hông, lưng… dễ bị viêm da do kiến ba khoang nhất.

kien-ba-khoang-1-1720007576.jpg
Mùa mưa là thời điểm hoạt động, sinh sản của kiến ba khoang

Theo bác sĩ Uyển Nhi, khi bị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang, đầu tiên người bệnh cần nhẹ nhàng làm sạch vùng tổn thương do kiến ba khoang gây ra. Tiếp đến, cần hạn chế cào gãi, chà sát, làm vỡ những mụn nước. Khi thấy tình trạng tổn thương trên da có dấu hiệu lan rộng và nặng hơn thì nên đến khám tại bệnh viện hoặc các bác sĩ chuyên khoa để được kê đơn điều trị kịp thời. Điều trị kịp thời, đúng cách sẽ kiểm soát được tình trạng biến chứng do dịch kiến ba khoang gây ra.

Đặc biệt, bác sĩ Nhi khuyến cáo, khi tổn thương do kiến ba khoang, người bệnh được đắp lá hay các chất không rõ lên bề mặt da vì có thể làm tình trạng da nặng hơn dẫn đến lan rộng, nhiễm trùng, khó điều trị. Thực tế, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị nặng do sử dụng những phương pháp dân gian, tự điều trị không đúng cách. Cũng có nhiều bệnh nhân điều trị tại cơ sở không uy tín, chẩn đoán sai làm bệnh nặng thêm.

Kiến ba khoang không chủ động tấn công mà do con người vô tình hoặc cố ý giết chúng, gây phóng thích chất độc lên da người. Ngoài ra, chúng có thể bò lên quần áo, khăn… đang phơi. Khi người sử dụng những đồ vật này đã vô tình chà xát lên cơ thể. Do đó, trước khi sử dụng khăn lau hoặc quần áo, cần kiểm tra, giũ mạnh để kiến rơi ra ngoài, sau đó dùng vật dụng khác tiêu diệt chúng, tránh dùng tay chạm trực tiếp.

Hiện nay, cả nước đang vào mùa mưa là thời điểm hoạt động, sinh sản của kiến ba khoang. Vì vậy ở vùng cây cối nhiều, người dân có thể đặt lưới phòng chống côn trùng. Nên giảm bớt ánh đèn trong nhà để hạn chế việc thu hút kiến ba khoang, đồng thời thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, đặc biệt những chỗ dễ ẩn náu của kiến như khe cửa, góc nhà… Cuối cùng, hạn chế tối đa việc phơi áo quần ban đêm.