Đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt
TP. HCM sẽ lấy mẫu và kiểm tra chất lượng nước tại 960 chung cư và 624 bồn chứa nước tập trung tại các khu vực chưa có mạng lưới nước sạch nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Đây là một phần của kế hoạch quản lý chất lượng nước sinh hoạt cho năm 2025 trên địa bàn thành phố.
Trong quý I và II, các cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu nước từ bể chứa tập trung và một mẫu ngẫu nhiên từ vòi sử dụng. Nếu có từ hai bể chứa nước sạch trở lên, mỗi bể sẽ được lấy một mẫu từ bể và một mẫu từ vòi sử dụng.

Bên cạnh đó, TP. HCM sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng nước tại các đơn vị cấp nước. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM sẽ kiểm tra 27 đơn vị cấp nước có công suất thiết kế từ 1.000m3 trở lên.
Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn sẽ kiểm tra 1 đơn vị cấp nước có công suất dưới 1.000m3 và Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ sẽ kiểm tra 4 đơn vị cấp nước có công suất dưới 1.000m3. 62 đơn vị cấp nước dự phòng khác cũng sẽ được kiểm tra.
Ông Trần Kim Thạch - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, đơn vị đang phối hợp với các trạm y tế để kiểm tra mạng lưới nước và nguồn cấp nước vào các chung cư.
Các chỉ tiêu kiểm tra tại chỗ bao gồm nồng độ pH và độ đục, trong khi các chỉ tiêu vi sinh và kim loại sẽ được lấy mẫu và gửi về phòng xét nghiệm, với kết quả có sau từ 1 - 7 ngày. Ngoài ra, khi nhận được phản ánh từ cư dân, lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra ngay để đảm bảo an toàn.
Chất lượng nước sạch tại các chung cư đang được nhiều đơn vị và người dân đặc biệt quan tâm. Giữa tháng 3 vừa qua, hơn 400 hộ dân tại chung cư Ngọc Đông Dương (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) đã phản ánh tình trạng nước sử dụng có cặn đục, mùi hôi và có dấu hiệu lẫn nước giếng khoan không đảm bảo chất lượng.
Thời điểm đó, anh Quang Phúc - cư dân chung cư cho biết, nước sử dụng trong gia đình anh thường có mùi hôi và màu vàng nhạt. Khi đổ vào thau inox hay thùng nhựa, chỉ một thời gian ngắn nước đã lắng cặn. Tình trạng này xuất hiện từ năm 2023. Ban đầu anh Phúc nghĩ do đường ống lâu ngày bị bám bụi bẩn. Nhưng sau đó, cả gia đình anh đều bị ngứa da. Thậm chí, có giai đoạn cả gia đình anh bị tiêu chảy.
Cư dân tại chung cư bắt đầu nhận thấy sự bất thường khi hàng loạt người phản ánh các triệu chứng tương tự gia đình anh Phúc. Giữa năm 2023, ban quản trị chung cư đã lấy mẫu nước đi xét nghiệm tại Viện Pasteur TP. HCM và phát hiện nước có vi khuẩn Coliforms, E. Coli và Pseudomonas aeruginosa gây bệnh tiêu hóa, vượt mức cho phép.
Cư dân yêu cầu ban quản trị tiến hành xúc rửa bồn chứa và sát khuẩn. Tuy nhiên, ba tháng sau, khi mẫu nước được xét nghiệm lại tại Viện Pasteur, vi khuẩn gây bệnh vẫn còn trong nguồn nước. Theo anh Phúc, mặc dù sau khi vệ sinh bồn chứa, tình trạng bệnh tiêu hóa của người dân đã giảm, nhưng nước vẫn còn nặng mùi và có cặn.
Cùng sống tại chung cư này, gia đình anh Nguyễn Duy Toàn chỉ dùng nước máy để tắm giặt, rửa chén, còn nước ăn uống thì mua ngoài. Anh Toàn cho biết khi dùng nước máy, lõi của hệ thống lọc chuyển màu nâu chỉ sau vài ngày. Có những lần, khi mở vòi tắm, nước chảy ra có mùi nồng nặc khiến cả gia đình phải ra ngoài chờ cho bớt mùi.
UBND TP. HCM đã yêu cầu kiểm tra và xác định nguồn gốc nước ô nhiễm tại chung cư này, đồng thời rà soát hệ thống cấp nước nội bộ của các chung cư trên địa bàn.
Cuối năm ngoái, Sở Y tế TP. HCM đã thông báo kết quả giám sát nước sinh hoạt tại các chung cư và bể chứa nước ở các quận huyện, phát hiện một số chỉ tiêu không đạt chuẩn như dư clo, vi khuẩn coliform, E.coli... Điều này làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi sử dụng nước.
Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho sinh hoạt theo đúng quy định.
Mạng lưới cấp nước phải đáp ứng các yêu cầu về độ an toàn, tin cậy về lưu lượng, áp lực và chất lượng nước phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Vấn đề lớn nhất thuộc khâu quản lý và vận hành
TS Phạm Tuấn Hùng - giảng viên bộ môn cấp thoát nước tại Trường Đại học Xây dựng cho rằng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt gồm các nguyên nhân liên quan đến mạng lưới cấp nước cả trước và sau đồng hồ nước.
Hệ thống cấp nước và việc sử dụng nước trong các tòa nhà chung cư, hộ gia đình rất đa dạng, nhưng phổ biến nhất là có bể chứa ngầm, hệ thống bơm và bể chứa trên mái.
Vì vậy, theo TS Phạm Tuấn Hùng, khi chất lượng nước gặp vấn đề, cần phải kiểm tra hệ thống lưu trữ và phân phối nước trong hộ gia đình, đặc biệt là xem xét liệu có đảm bảo ngăn ngừa sự thâm nhập của các chất ô nhiễm từ bên ngoài vào hệ thống hay không.
Còn GS.TS Nguyễn Việt Anh - Viện Khoa học Kỹ thuật Môi trường cho biết, hiện nay hầu hết các bể chứa nước được xây dựng bằng bê tông cốt thép, inox hoặc tấm composit lắp ghép, với đường ống truyền dẫn làm bằng thép tráng kẽm, ống PVC, nên chất lượng của các công trình cấp nước đa phần đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là khâu quản lý và vận hành.
Nhiều tòa nhà và hộ gia đình không thực hiện việc bảo dưỡng định kỳ, kiểm tra nước, cũng như thau rửa và nạo vét đường ống, bể chứa nước. Điều này dẫn đến tình trạng đường ống bị đóng cặn, phát triển màng vi sinh, và thậm chí có thể xuất hiện xác côn trùng hay sinh vật chết.
Những yếu tố này làm giảm chất lượng nước và tạo điều kiện cho mầm bệnh và dịch bệnh xâm nhập, đặc biệt là sau các đợt dịch bệnh hoặc khi có hoạt động sửa chữa hệ thống cấp nước.
Thông tư 41 quy định, đơn vị cấp nước phải thực hiện kiểm tra chất lượng nước định kỳ. Các yếu tố như bảo trì bể chứa, hệ thống phân phối nước, đường ống có đạt tiêu chuẩn không, quá trình thi công và bảo dưỡng có đúng quy định hay không, đều cần được chú trọng. Nếu việc quản lý, xây dựng và vận hành không tốt thì nguy cơ ô nhiễm tại các bể chứa là rất lớn.