Tuyến đường gần 2.000 tỷ, quy mô lớn nhất Ninh Bình sẽ đưa vào sử dụng cuối năm nay

Sau 2 năm triển khai thi công, dự án tuyến đường giao thông Đông – Tây quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Ninh Bình đang dần hoàn thiện. Dự kiến cuối năm nay sẽ đưa vào sử dụng.

Tuyến đường giao thông Đông – Tây là một trong những dự án quy mô lớn nhất từ trước tới nay do tỉnh Ninh Bình phê duyệt với tổng chiều dài 22,95km, vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng, chủ đầu tư là BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình.

duong-dong-tay-4-1716805988.jpg
Trên tuyến chính, gần nút giao với cao tốc, chủ đầu tư thiết kế 2 vòng xuyến để giúp người dân đi lại thuận tiện (Ảnh: Phúc Tuấn - Báo Giao thông)

Trước đó, tháng 10/2021 UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt dự án đường Đông – Tây giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 1.486 tỷ đồng. Tuyến đường có 4 làn xe, riêng đoạn đầu tuyến đến nút giao cao tốc Bắc – Nam rộng 8 làn xe. Tới tháng 10/2023, do phát sinh thêm chi phí trong giải phóng mặt bằng nên dự án đã được điều chỉnh thêm 428 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên 1.913 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 – 2026.

duong-dong-tay-3-1716806375.jpg
Tuyến đường có tổng chiều dài 22,95km và là dự án quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Ninh Bình (Ảnh: Phúc Tuấn - Báo Giao thông)

Tuyến đường có điểm đầu kết nối Quốc lộ 1A (đoạn đường Đồng Giao, phường Tây Sơn, TP. Tam Điệp) và điểm cuối giao cắt với Quốc lộ 21B (xã Văn Phong, huyện Nho Quan). Bên cạnh đó, tuyến đường này cũng kết nối với cao tốc Bắc – Nam ở phía Đông tại nút giao thông Đồng Giao (TP. Tam Điệp).

Tháng 3/2022, dự án tuyến đường Đông – Tây giai đoạn 1 chính thức khởi công, do Liên danh Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường – Công ty Thành Trung là đơn vị thi công.

duong-dong-tay-2-1716806428.jpg
Hiện nay dự án đã hoàn thành 50% khối lượng công việc (Ảnh: Phúc Tuấn - Báo Giao thông)

Đại diện chủ đầu tư dự án cho hay, hiện nay dự án đã đạt khoảng 50% khối lượng công việc. Tiến độ thi công vấp phải khó khăn do thời tiết mưa lớn trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, để thi công tuyến đường, các nhà thầu đã phải huy động lượng lớn máy xúc, máy phá đá để xẻ 7 quả đồi. Có khoảng hơn 1 triệu m3 đất khai thác từ 7 quả đồi được điều phối đến các vị trí khác trên tuyến để đắp nền đường. Việc tận dụng đất đồi đã giúp dự án giảm được phần nào chi phí. Tới thời điểm này, chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung các nguồn lực với khoảng 200 cán bộ, công nhân và 130 phương tiện liên tục tăng ca, tăng kíp để cuối năm 2024 đưa dự án vào sử dụng.

duong-dong-tay-5-1716806467.jpg
Các nhà thầu đã phải huy động lượng lớn máy xúc, máy phá đá để xẻ 7 quả đồi (Ảnh: Phúc Tuấn - Báo Giao thông)

Hiện, tổng số vốn đã giải ngân cho dự án là hơn 1.269 tỷ đồng. Trong đó xây lắp và chi phí khác là 417 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng hơn 851 tỷ đồng.

Đại diện chủ đầu tư cho biết thêm, sau hơn 2 năm gấp rút triển khai, dự án đã cơ bản hình thành tuyến đường trên thực địa. Tuyến đường đã cơ bản hoàn thành khối lượng đào, đắp nền đường, toàn bộ cầu, cống đã xây xong, dự kiến có thể thông xe vào dịp 2/9 tới.

duong-dong-tay-1-1716806664.jpg
Đã có 7km đường được thảm nhựa, sẵn sàng thông xe (Ảnh: Nguyễn Trường - Lao động)

Theo tìm hiểu, dự án hiện đã thông tuyến và thảm được 7km nhựa đường, sơn vạch kẻ đường và hệ thống an toàn giao thông.

Tuyến đường Đông – Tây sau khi hoàn thiện sẽ đi qua 4 huyện, thành phố, kết nối cực Đông với cực Tây của tỉnh Ninh Bình từ huyện ven biển Kim Sơn tới vùng rừng núi huyện Nho Quan. Đáng chú ý,  tuyến đường kết nối đồng bộ với các trục giao thông quan trọng của Quốc gia như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 1A, đường bộ ven biển, đường sắt Bắc - Nam... mở ra hướng kết nối liên thông với tuyến đường Hồ Chí Minh và kết nối liên vùng giữa vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La) với vùng đồng bằng sông Hồng…

duong-dong-tay-6-1716806731.jpg
Dự kiến cuối năm nay, toàn tuyến sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động (Ảnh: Phúc Tuấn - Báo Giao thông)