Màn kịch giả danh cướp tiền
Ngày 25/3, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an (C02) đã tiến hành lấy lời khai của Đào Xuân Lộc (SN 1991, quê Đồng Nai), Nguyễn Tuấn Anh (SN 1993, quê Ninh Bình) và Nguyễn Anh Duy (SN 1993, quê Bình Định) để điều tra làm rõ vụ cướp 2 triệu USD của bà P.T.M.L. (SN 1982, ngụ quận 3).
Trước đó, vào ngày 24/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh cũng đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Lý Phương (SN 1991, ngụ huyện Bến Cầu, Tây Ninh), kẻ cầm đầu vụ cướp tài sản này.

Qua điều tra, công an bước đầu xác định bà L. quen biết với bà H. (mẹ của Phương), không phải như thông tin ban đầu Phương là con ruột của bà L. Sau khi nghe ngóng được thông tin từ mẹ, Phương biết bà L. có mặt gần cửa khẩu Mộc Bài và đang giữ hơn 2 triệu USD. Để chiếm đoạt số tiền này, Phương đã liên lạc với Lộc, Duy và Tuấn Anh để lên kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội.
Nhóm này đã tìm đến nơi bà L. ở tại ấp Thuận Tây (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) giả danh công an điều tra về nguồn gốc số ngoại tệ mà bà L. đang giữ. Lợi dụng sơ hở của bà L., bọn chúng đã chiếm đoạt 2,3 triệu USD, rồi nhanh chóng tẩu thoát.
Sau vụ việc, bà L. và Phương đã đến Công an tỉnh Tây Ninh trình báo. Trong quá trình khai báo, bà L. cho rằng Phương có liên quan đến nhóm cướp này.
Nhận thấy vụ án có tính chất phức tạp và nghiêm trọng, với thiệt hại tài sản lớn, Phòng Cảnh sát hình sự đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh và Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an để xin chỉ đạo, đồng thời tiến hành xác minh và củng cố chứng cứ phục vụ công tác điều tra.
Ban đầu, khi làm việc với cơ quan chức năng, Phạm Lý Phương phủ nhận mọi liên quan đến nhóm cướp giả danh công an. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã khiến Phương phải thừa nhận hành vi phạm tội và khai ra những thành viên khác trong băng nhóm cướp.
Mở rộng điều tra, các tổ truy xét đã bắt giữ Lê Nguyên Bình (SN 1988, ngụ tỉnh Gia Lai) tại một khách sạn ở quận Hà Đông, Hà Nội và thu giữ gần 2 triệu USD, là tang vật của vụ cướp mà các đối tượng đã chuẩn bị giao cho Bình nhận tại Hà Nội.
Theo cơ quan điều tra, Đào Xuân Lộc, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Anh Duy là các nghi phạm có tiền án, tiền sự, từng sinh sống tại Campuchia và có kinh nghiệm đối phó với cơ quan chức năng. Sau khi gây án, nhóm đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát bằng nhiều phương tiện và di chuyển đến nhiều địa phương khác nhau.
Ban đầu, các nghi phạm di chuyển theo hướng ra phía Bắc. Sau đó nhóm này thay đổi kế hoạch, di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau, quay lại miền Trung với mục tiêu vượt biên sang Lào hoặc Campuchia.
Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã kiên trì truy xét ngày đêm, với phương châm không để các đối tượng tiếp tục phạm tội, trốn ra nước ngoài hoặc tẩu tán tài sản của bị hại. Vào lúc 12h ngày 24/3, Cục C02 phối hợp với Công an tỉnh Gia Lai đã tổ chức ập vào, bắt giữ Lộc, Tuấn Anh và Duy khi đang lẩn trốn tại một lán trại ở thôn Nông Trường (xã Ia Grai, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), đồng thời thu giữ toàn bộ tang vật.

Mất tiền vì thiếu kiến thức pháp luật
Liên quan đến số ngoại tệ đã thu hồi, cơ quan điều tra nhận định đây là một khoản tiền lớn, cần được xác minh và làm rõ nguồn gốc trước khi có thể trao trả lại cho bà L. theo quy định của pháp luật.
Theo một vị luật sư, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định số ngoại tệ này có liên quan đến hành vi phạm tội thì số tiền có thể được coi là vật chứng và có thể bị tịch thu.
Trong khi đó, trao đổi trên Báo Dân Trí, luật sư Trương Văn Bảo - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, pháp luật hiện hành quy định, công dân có quyền sở hữu ngoại tệ mà không bị giới hạn số lượng và pháp luật cũng không yêu cầu người dân phải chứng minh nguồn gốc của ngoại tệ. Trừ trường hợp, trong vụ án hình sự có nghi ngờ ngoại tệ là tài sản có nguồn gốc từ tội phạm hoặc người dân cần kê khai khi mang quá 5.000 USD xuất cảnh.
Bên cạnh các vấn đề pháp lý, không ít chuyên gia cũng nhận định vụ việc trên là một bài học về việc thiếu hiểu biết về pháp luật. Khoản 1 Điều 195 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, khi khám xét chỗ ở, phải có mặt người bị khám xét hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên sống cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến...
Với quy định cụ thể như vậy, không thể có chuyện một nhóm người tự xưng là công an đến khám xét nhà dân mà không có sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến. Đó chỉ có thể là trộm cướp, lừa đảo.
Trong vụ việc trên, bọn cướp đã dàn cảnh, giả danh công an đến nhà kiểm tra tài sản, tiền bạc. Bị hại thiếu kiến thức pháp luật nên mới tin tưởng bọn cướp là công an thật, rồi mắc bẫy.