Vụ nam sinh đặt camera quay lén tại trường: Hậu quả của việc chia sẻ thông tin chưa qua kiểm chứng

Thông tin một nam sinh bị nghi đặt camera quay lén trong nhà vệ sinh nữ đã gây xôn xao trên mạng xã hội, khiến nhiều phụ huynh, giáo viên và học sinh hoang mang. Tuy nhiên, công an khẳng định không có camera quay lén nào được lắp đặt. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lan truyền thông tin sai sự thật, gây tổn hại đến uy tín cá nhân và tạo ra bất ổn trong cộng đồng.

Ngày 25/10, mạng xã hội lan truyền thông tin về việc một nam sinh Trường THPT Tân Túc (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP. HCM) bị nghi ngờ đặt thiết bị quay lén trong nhà vệ sinh nữ đã gây xôn xao trên mạng xã hội.

Theo thông tin lan truyền, vào chiều 23/10, nam sinh N.Q.H (lớp 12, THPT Tân Túc) đã sử dụng điện thoại để quay lén một nữ sinh lớp 11 khi xuống căn tin trường và bị bạn cùng lớp của nữ sinh phát hiện. Mặc dù được yêu cầu xóa video, H. vẫn tỏ thái độ thờ ơ, dẫn đến việc Đ.K (bạn của nữ sinh) đánh và yêu cầu H. xóa clip.

camera-quay-len-1729933653.jpg
Thông tin chia sẻ trên mạng về tin đồn lắp đặt thiết bị quay lén trong nhà vệ sinh nữ tại trường học

Ban Giám hiệu Trường THPT Tân Túc sau đó đã mời phụ huynh của H. và Đ.K đến làm việc. H. đã viết tường trình nhận lỗi về hành vi quay lén, trong khi Đ.K cũng nhận lỗi về việc đánh bạn. Đến tối cùng ngày, nhiều tài khoản và nhóm công khai trên Facebook lan truyền thông tin rằng H. đã đặt camera giấu kín trong nhà vệ sinh nữ của trường, gây hoang mang cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Trước dư luận này, Công an huyện Bình Chánh đã phối hợp với Ban Giám hiệu trường làm việc cùng các học sinh liên quan, có sự chứng kiến của phụ huynh, để xác minh tin đồn lắp camera quay lén. Đồng thời, công an tiến hành kiểm tra toàn bộ các nhà vệ sinh của trường, nhưng kết quả cho thấy không có camera quay lén nào được lắp đặt. Bản thân H. cũng khẳng định không có hành vi quay lén nữ sinh trong nhà vệ sinh, và điện thoại của em sau khi kiểm tra không phát hiện hình ảnh phản cảm như những gì mạng xã hội đồn đoán.

Sự việc gây ra lo lắng trong cộng đồng phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, từ vụ việc này lại phát sinh thêm những tin đồn sai lệch, như việc H. bị chuyển sang trường khác học, điều này hoàn toàn không chính xác vì H. vẫn đang theo học tại trường THPT Tân Túc. Công an huyện Bình Chánh đã làm việc với Ban Giám hiệu trường để hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm tổ chức sinh hoạt lớp nhằm ổn định tâm lý cho học sinh.

Công an cũng đề nghị phụ huynh giữ bình tĩnh, động viên con em mình tập trung học tập và cẩn trọng khi đăng tải thông tin trên mạng xã hội, tránh lan truyền tin tức chưa kiểm chứng. Cơ quan công an cảnh báo, mọi hành vi bịa đặt, vu khống và đăng tải thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

camera-quay-len-1-1729933653.jpg
Công an xác định không có việc lắp đặt thiết bị quay lén tại Trường THPT Tân Túc

Vụ việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lan truyền thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng. Hành vi bịa đặt và lan truyền thông tin sai sự thật (tin giả) là hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù các quy định pháp luật về dân sự, hình sự và xử phạt hành chính đã tương đối đầy đủ và đồng bộ, nhưng tình trạng thông tin sai sự thật vẫn tiếp tục lan tràn trên mạng.

Dù nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp, trở thành vấn đề “nhức nhối” và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Tùy thuộc vào mức độ và tính chất vi phạm, người thực hiện có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, cá nhân có hành vi sử dụng mạng xã hội để tạo ra, cố ý lan truyền hoặc bịa đặt thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin và giao dịch điện tử. Mức phạt cho cá nhân từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Đối với trang tin điện tử, hành vi đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, hoặc xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 99 của Nghị định này.

Các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội nếu chủ động lưu trữ, truyền tải thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân, hoặc gây hoang mang cho công chúng sẽ bị phạt từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 100 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.