Vướng đủ thứ khi xây nhà ở cho công nhân: HoREA đề xuất thêm cơ chế tháo gỡ

avatar
Trong bối cảnh lực lượng lao động tăng mạnh tại các khu công nghiệp nhưng vẫn thiếu chỗ ở, HoREA đề xuất doanh nghiệp được thuê nhà ở xã hội ngoài khu công nghiệp và tự xây dựng nhà ở cho công nhân, đồng thời hạch toán chi phí vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ, góp ý cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm một số cơ chế và chính sách đặc thù để phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, HoREA đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 1 và Điều 9 của Dự thảo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hợp tác xã trong khu công nghiệp có thể thuê hoặc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

Quy định hiện hành còn nhiều bất cập

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, hiện nay Luật Nhà ở 2023 chỉ cho phép doanh nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để bố trí cho công nhân thuê lại. Tuy nhiên, luật này chưa quy định rõ liệu doanh nghiệp có thể thuê nhà ở xã hội ngoài khu công nghiệp hay không.

Hơn nữa, cũng chưa có quy định cho phép doanh nghiệp trong khu công nghiệp tự đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp của mình. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp rất lớn, trong khi nguồn cung nhà ở xã hội và nhà lưu trú lại rất hạn chế, không phải ai cũng có thể tiếp cận, nhà ở thương mại có giá quá cao.

Do đó, HoREA đề xuất Chính phủ nghiên cứu và đưa ra các chính sách hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp sản xuất (dù không kinh doanh bất động sản) có thể tự tạo lập chỗ ở cho lao động của mình. Việc bổ sung các quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, giúp các doanh nghiệp và hợp tác xã chủ động hơn trong việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động.

nha-o-cong-nhan-1742843013.jpg

Nhiều doanh nghiệp đã từng đề xuất phương án mua đất, xây nhà và bán trả góp cho lao động nhưng lại gặp vướng mắc ở khâu pháp lý

Nếu được phép tự xây dựng nhà ở cho công nhân, các doanh nghiệp có thể bảo đảm các dự án nhà lưu trú phục vụ đúng đối tượng, từ đó giúp lao động an tâm làm việc lâu dài, giải quyết bài toán nhân lực cho doanh nghiệp, nâng cao điều kiện sống của công nhân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị Chính phủ xem xét áp dụng các cơ chế tài chính hỗ trợ, như ưu đãi thuế, tiếp cận vốn vay ưu đãi, hoặc cơ chế đối ứng từ Nhà nước, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà lưu trú công nhân và giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã đề xuất phương án mua đất, xây nhà và bán trả góp cho lao động. Theo đó, doanh nghiệp bỏ tiền xây dựng, và công nhân sẽ trả dần bằng lương hàng tháng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là thủ tục pháp lý, khiến việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ chỗ ở cho lao động là một trong những cách giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, bên cạnh các chính sách phúc lợi khác.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2025, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất và công nghệ giá trị cao như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics và dược phẩm. Dòng vốn FDI giải ngân trong năm 2025 có thể vượt 30 tỷ USD.

Thực tế, theo dữ liệu của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, trong hai tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng mạnh 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng ấn tượng này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực.

Nhu cầu nhà ở rất lớn

Làn sóng đầu tư vào các dự án công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu phát triển đang thúc đẩy nhu cầu lớn về hạ tầng và nhà xưởng, qua đó tạo động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản khu công nghiệp. Dự kiến trong giai đoạn 2024-2027, Việt Nam sẽ cung cấp khoảng 15.200 ha đất công nghiệp và hơn 6 triệu m² kho xưởng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng công nhân. Tuy nhiên, hiện tại, hàng trăm nghìn công nhân tại các khu công nghiệp vẫn phải sống trong các nhà thuê do tư nhân xây dựng, thường có diện tích chật chội, không khí nóng bức và thiếu an ninh. Một bộ phận công nhân khác phải di chuyển bằng xe máy qua quãng đường dài hàng chục km mỗi ngày để đến nơi làm việc.

Cụ thể, đến quý II/2024, TP.HCM có 18 khu công nghiệp với gần 1.700 doanh nghiệp, sử dụng ít nhất 320.000 lao động. Tuy nhiên, thành phố chỉ có 16 nhà lưu trú công nhân, đủ chỗ cho khoảng 22.000 người, trong khi phần lớn công nhân phải thuê trọ hoặc ở nhờ. Diện tích phòng trọ phổ biến chỉ 12 m², có 2-3 người sống chung, và mỗi người phải chi trả 15-20% thu nhập cho chỗ ở.

cho-o-cong-nhan-1742843014.jpg

Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng công nhân

Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã đưa vào sử dụng 6 dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 2.700 căn hộ và hiện đang thi công 4 dự án với 3.000 căn hộ. Dự kiến từ nay đến 30/4, thành phố sẽ hoàn tất thủ tục để khởi công thêm 5-6 dự án nhà ở xã hội với tổng quy mô khoảng 8.000 căn hộ.

Tương tự, tại Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, số công nhân đã tăng từ 33.000 người vào năm 2020 lên 60.000 người vào tháng 9/2024. Khu công nghiệp VSIP2, nối tiếp VSIP1, vừa mới khởi công vào giữa tháng 3/2025, dự kiến sẽ tạo ra khoảng 50.000 việc làm khi hoàn thành trong vài năm tới. Tuy nhiên, hàng vạn công nhân hiện tại ở trong khu vực này vẫn phải "tự túc" nhà ở, tạo ra một áp lực lớn đối với cả các chủ doanh nghiệp và người lao động.

Tại Nghệ An, tình hình cũng tương tự khi tỉnh có 5 khu nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp. Cụ thể, Khu ký túc xá dự án Nhà máy Luxshare - ICT Nghệ An đã hoàn thành và có thể lưu trú cho khoảng 8.220 công nhân, hiện đã có gần 2.000 công nhân ở tại đây.

Khu ký túc xá của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.200 công nhân, và khu ký túc xá tại dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô JuTeng tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I đang được xây dựng, sẽ đáp ứng nhu cầu lưu trú cho khoảng 20.000 công nhân khi hoàn thành.