Xây dựng sân bay Liên Khương trở thành sân bay quốc tế đầu tiên ở Tây Nguyên

Sân bay Liên Khương sẽ là sân bay quốc tế đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên, dự kiến đón 5 triệu hành khách vào năm 2030 và khoảng 7 triệu hành khách vào năm 2050.

Mới đây ngày 13/5, các sở ngành, địa phương liên quan đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao nhiệm vụ triển khai các nội dung hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) theo kết luận của Thường trực tỉnh ủy.

Nội dung kết luận của Tỉnh ủy Lâm Đồng cho hay, hiện nay số lượng chuyến bay của Vietnam Airlines đến và đi từ sân bay Liên Khương sụt giảm, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, du khách. Thời điểm hiện tại, chỉ còn 2 đường bay nội địa kết nối với sân bay Liên Khương là Liên Khương – Hà Nội và Liên Khương – TP. HCM. Do vậy, để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách, tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Vietnam Airlines nghiên cứu, tăng tần suất các chuyến bay đến và đi tại sân bay Liên Khương – Nội Bài và Liên Khương – Tân Sơn Nhất.

Tỉnh cũng đề nghị Vietnam Airlines nghiên cứu mở mới, khai thác các đường bay quốc tế từ Liên Khương tới các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… để kích cầu du lịch quốc tế.

san-bay-quoc-te-lien-khuong-1715791808.jpg
Sân bay Liên Khương được thiết kế giống bông hoa dã quỳ - loài hoa đặc trưng của Lâm Đồng (Ảnh: Vietnam Airlines)

Được biết từ sau dịch Covid-19 cho tới nay, Đà Lạt đón khoảng 9 triệu lượt khách mỗi năm. Theo đánh giá của tỉnh Lâm Đồng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bị ảnh hưởng một phần là do thiếu các đường bay.

Trước đó ngày 7/6/2023, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định phê duyệt tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay quốc tế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó Liên Khương sẽ là sân bay quốc tế dự kiến đón khoảng 5 triệu khách mỗi năm.

Hiện UBND tỉnh Lâm Đồng đang giao Sở GTVT phối hợp với Cảng Hàng không Liên Khương và làm việc với bộ GTVT để hoàn thành việc nâng cấp sân bay Liên Khương lên quốc tế. Đồng thời căn cứ vào thời điểm thích hợp sẽ tổ chức lễ công bố.

Như vậy tại khu vực Tây Nguyên, Liên Khương sẽ là sân bay quốc tế đầu tiên. Khi có các đường bay thường lệ quốc tế đến và đi tại Liên Khương, việc phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của Lâm Đồng và các vùng lân cận cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi.

san-bay-quoc-te-lien-khuong-1-1715791891.jpg
Sân đỗ tàu bay tại sân bay Liên Khương (Ảnh: Vietnam Airlines)

Theo tìm hiểu, giai đoạn 2030 sân bay Liên Khương sẽ có quy mô sân bay cấp 4E, sân bay quân sự cấp I, dự kiến mỗi năm đón khoảng 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hóa. Tổng số vị trí đỗ tàu bay tối thiểu là 21 vị trí, loại tàu bay khai thác của Cảng hàng không Liên Khương là A320, A321, B747, B787, A350 và tương đương. Định hướng tới năm 2025, sân bay quốc tế Liên Khương sẽ có công suất thiết kế dự kiến đón 7 triệu hành khách/năm và 30.000 tấn hàng hóa.

Giai đoạn từ nay đến 2030, Cảng Hàng Không quốc tế Liên Khương sẽ xây dựng nhà ga hành khách T2 với công suất 3 triệu hành khách mỗi năm ở phía Đông của ga hành khách T1 hiện hữu. Lúc này cả nhà ga T1 và T2 đều được khai thác cùng lúc với tổng công suất 5 triệu hành khách/năm. Có dự trữ quỹ đất để mở rộng khi có nhu cầu.

Tới năm 2050, Cảng Hàng Không quốc tế Liên Khương sẽ mở rộng nhà ga hành khách T2 lên công suất 5 triệu hành khách/năm; khai thác đồng thời cả nhà ga T1 và T2 với tổng công suất 7 triệu hành khách/năm.

san-bay-lien-khuong-2-1715791732.jpg
Trong tương lai Cảng Hàng Không quốc tế Liên Khương sẽ có công suất 7 triệu hành khách/năm (Ảnh: Vietnam Airlines)

Sân bay Liên Khương hay còn gọi là sân bay Đà Lạt được hình thành từ năm 1933 do người Pháp xây dựng. Sau đó, người Mỹ tiếp quản sân bay này vào những năm 1956 - 1960. Lúc bấy giờ sân bay Liên Khương được tu sửa, nâng cấp cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, với khả năng phục vụ 50.000 hành khách/năm.

Sau năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trực tiếp điều hành sân bay. Lúc này sân bay Liên Khương chủ yếu phục vụ quân sự, vận chuyển người dân đi vùng kinh tế mới. Sân bay được đưa vào phục vụ các chuyến bay dân sự vào giai đoạn 1981 – 1985. Tuy nhiên được một thời gian phải tạm ngừng vì ít khách.

Đến năm 1992, sân bay Liên Khương mở cửa trở lại, khai thác nhiều đường bay nội địa hơn. Sau đó, sân bay được tu sửa nâng cấp lại, lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh cánh hoa dã quỳ - loài hoa đặc trưng của vùng cao nguyên Lâm Đồng. Hiện nay, sân bay Liên Khương có diện tích 12.400m2 bao gồm 2 tầng và là một trong những địa điểm tham quan, check-in độc đáo của du khách khi đến thăm thành phố Đà Lạt.