Hà Nội lấy ý kiến ứng phó tình trạng chất lượng không khí “suy giảm diện rộng”

Nhiều tháng qua, Hà Nội thường xuyên tình trạng mù mịt vào buổi sáng và chiều tối. Chỉ số ô nhiễm không khí có nhiều ngày ở mức rất xấu và nguy hại, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Như ngày 5/3, Hà Nội còn đứng đầu các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
o-nhiem-khong-khi-ha-noi-1-1709951538.jpg
Chất lượng không khí tại Hà Nội đang có chiều hướng suy giảm trên diện rộng

Mới đây, UBND TP. Hà Nội cho biết, thành phố đang lấy ý kiến về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí đến năm 2030, định hướng đến 2035. Hành động này là để ứng phó tình trạng "chất lượng không khí đang có chiều hướng suy giảm trên diện rộng".

UBND TP. Hà Nội dẫn báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia cho thấy, giai đoạn 2018-2020, nồng độ bụi mịn (PM 2.5) trong không khí trung bình năm tại Hà Nội vượt gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (25 μg/m3). Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí kém và xấu chiếm 30,5%, thậm chí một số ngày còn ở ngưỡng rất xấu.

Mới đây nhất, IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) đánh giá, bụi mịn tại Hà Nội hiện cao gấp 22,6 lần giá trị về chất lượng không khí do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra. Theo thống kê của ứng dụng này từ đầu tháng 2 đến ngày 1/3, Hà Nội chỉ có 2 ngày không khí ở mức tốt (ngày 24 và 29/2), 21 ngày ở mức trung bình, kém và 7 ngày ở mức xấu, rất xấu, có hại cho sức khỏe.

o-nhiem-khong-khi-ha-noi-2-1709951431.jpg
Nồng độ bụi mịn trong không khí cao gây nguy hại tới sức khỏe con người

Trong báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia có nêu, nồng độ bụi mịn trung bình năm giữa các quận, huyện, thị xã có sự chênh lệch, trong đó nồng độ bụi cao hơn ở các quận nội thành và thấp hơn ở các huyện ngoại thành (trừ các huyện Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì).

Nồng độ bụi mịn vào mùa đông có xu hướng đặc biệt cao do điều kiện khí tượng và khí quyển không ổn định khiến sự phát tán của các chất ô nhiễm lên cao bị hạn chế. Vào mùa hè, chất lượng không khí thường có xu hướng tốt hơn vì thường có mưa giúp cuốn trôi ô nhiễm không khí và gió Đông Nam (từ Biển Đông) có khả năng vận chuyển, khuếch tán chất ô nhiễm cao.

Hà Nội chưa kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tuy nhiên, tổng hợp từ nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới cho thấy, bụi mịn có nguồn phát thải chính từ phương tiện giao thông đường bộ và bụi đường, một phần khác đến từ đốt rơm rạ ngoài trời và hoạt động công nghiệp.

o-nhiem-khong-khi-ha-noi-1709951431.jpg
Từ tháng 2 tới nay, Hà Nội thường xuyên trìm trong sương mù vào sáng sớm và chiều tối

Thủ đô đang phải đối mặt vấn đề ô nhiễm không khí, chủ yếu do bụi PM 2.5, gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và thiệt hại về kinh tế. Trước tình trạng này, Hà Nội đã đặt mục tiêu kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát, cảnh báo chất lượng không khí để cải thiện môi trường, đồng thời giảm thiểu tác động đến kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 có 75%-80% số ngày trong năm đạt chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức tốt và trung bình. VN_AQI được tính toán từ thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí ở Việt Nam. Tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng sức khỏe con người sẽ được tính qua thang điểm: Khoảng 0 - 50 (màu xanh), trung bình 51 - 100 (màu vàng), kém 101 - 150 (màu cam), xấu 151 - 200 (màu đỏ), rất xấu 201 - 300 (màu tím) và nguy hại là từ 301 - 500 (màu nâu).

Ngoài ra, Hà Nội đặt mục tiêu kiểm soát bụi mịn trong không khí trung bình năm ở nội đô dưới 40 μg/Nm3 và dưới 35 μg/Nm3 ở ngoại thành vào năm 2023, cùng với đó là giảm phát thải PM 2.5 từ các nguồn thải chính.