5 tỉnh thành có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam

Những năm qua, Hà Nội phát triển nhanh, sôi động cả về kinh tế và xã hội. Điều này đẩy giá cả sinh hoạt ở Hà Nội lên vị trí đắt đỏ nhất cả nước...

Tổng cục Thống kê vừa đưa ra báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023. Chỉ số này (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hàng ngày của người dân giữa các vùng kinh tế - xã hội cũng như giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong một thời gian nhất định (thường là 1 năm).

Đầu tiên là giữa các vùng kinh tế - xã hội. So với năm 2022, thứ tự không biến động nhiều so vào năm 2023. Theo đó đó, vùng có giá cả đắt đỏ nhất cả nước tiếp tục là Đồng bằng sông Hồng. Vị trí thứ hai thuộc về Đông Nam Bộ. Tiếp đến, vùng Trung du và miền núi phía Bắc nắm giữ ngôi vị thứ ba. Các vùng còn lại là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long lần lượt ở vị trí thứ 4, 5, 6.

thanh-pho-dat-do-1711854176.jpg
Hà Nội có mức giá đắt đỏ nhất cả nước

Giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ số SCOLI cho thấy Hà Nội tiếp tục giữ vị trí đầu tiên về mức giá đắt đỏ với mức thang 100%. Đứng thứ 2 là TP. HCM với chỉ số SCOLI bằng 98,44%. Tuy nhiên, một số nhóm hàng của TP. HCM có mức giá bình quân thấp hơn các địa phương khác là may mặc, mũ nón và giày dép; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; văn hóa, giải trí và du lịch; thiết bị và đồ dùng gia đình.

TP. HCM là trọng điểm của vùng kinh tế Đông Nam Bộ, nơi tập trung các cơ sở đào tạo, trung tâm y tế, nghiên cứu khoa học, nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng. Đây cũng là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Quảng Ninh là địa phương ở vị trí thứ 3 với chỉ số SCOLI bằng 97,94%. Nguyên nhân Quảng Ninh có mức giá đắt đỏ thứ ba do đây là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Kinh tế Quảng Ninh phát triển sôi động dẫn đến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với các địa phương khác.

thanh-pho-dat-do-1-1711854176.jpg
Chỉ số SCOLI phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giữ các tỉnh, thành

Vị trí thứ tư thuộc về Hải Phòng với chỉ số SCOLI bằng 96,07%. Đây là thành phố có hệ thống tổ chức thương mại đa dạng cùng sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế.

Bình Dương là tỉnh có mức giá đắt đỏ thứ năm cả nước. Tỉnh này đã tập trung khai thác được lợi thế về vị trí địa lý, nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với công tác an sinh và phúc lợi xã hội trên cơ sở đầu tư có trọng điểm. Hầu hết nhóm hàng của Bình Dương đều thấp hơn Hà Nội. Riêng một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội là nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cao hơn 18%; hàng hóa và dịch vụ khác cao hơn 8%; bưu chính viễn thông cao hơn 13%.

Năm 2022, 5 địa phương có mức giá cao nhất lần lượt là Hà Nội, Quảng Ninh, TP. HCM, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Như vậy, năm 2023, TP. HCM đã vượt Quảng Ninh, vươn lên vị trí thứ hai về chi phí sống đắt đỏ. Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu cùng rời top 5, nhường chỗ cho Hải Phòng và Bình Dương.

Ở chiều ngược lại, 5 địa phương có mức giá thấp nhất cả nước lần lượt là Bến Tre, Nam Định, Quảng Trị, Sóc Trăng và Gia Lai. Như vậy, so với năm 2022, Bến Tre đã vượt Quảng Trị để dẫn đầu về chi phí sống rẻ nhất cả nước và Gia Lai cũng mới góp tên trong top 5.

iPos.vn cũng vừa đưa ra thống kê năm 2023 cho thấy, người Việt ngày càng "chăm" đi cà phê, ăn hàng. Cứ 10 người lại có 3 người đi cà phê 1-2 lần/tuần. Quá nửa số người được hỏi (59,5%) sẵn sàng chi từ 41.000 đồng cho 1 lần "đi cà phê" gặp gỡ. Mức chi tiêu phổ biến nhất rơi vào khoảng 41.000 - 70.000 đồng.