Bằng lái xe tích hợp: Bị tước giấy phép điều khiển xe máy, có được tiếp tục lái ôtô?

Để tiện lợi trong quá trình sử dụng, nhiều người đã tích hợp bằng xe máy và bằng lái ô tô vào chung một thẻ PET. Tuy nhiên, nhiều người không biết nếu bị tước 1 trong 2 loại giấy phép lái xe ô tô hoặc xe máy thì loại còn lại có được tiếp tục sử dụng?

Bị tước bằng lái xe máy thì có được điều khiển ô tô tham gia giao thông khi dùng chung bằng tích hợp?

Sau buổi liên hoan với bạn, anh Nguyễn Thanh Giang (Ba Đình, Hà Nội) điều khiển xe máy về nhà thì bị cảnh sát giao thông yêu cầu thổi nồng độ cồn. Theo chỉ số báo trên máy đo nồng độ cồn trong hơi thở, anh Giang không chỉ bị phạt tiền, tịch thu phương tiện mà còn bị tước bằng lái xe máy.

Sau khi bị phạt, anh Giang khá lo lắng vì giấy phép lái xe của anh là loại tích hợp. Trước đây, khi có bằng lái ô tô, anh đã tích hợp thêm cả giấy phép điều khiển xe máy vào cùng một thẻ PET. Hiện bị tước bằng lái xe máy thì không biết có được điều khiển ô tô tham gia giao thông nữa không?

Nỗi lo của anh Giang cũng là thắc mắc của nhiều người đang sử dụng chung một giấy phép lái xe cho cả xe máy và ô tô: Nếu bị tước 1 trong 2 loại giấy phép lái xe ô tô hoặc xe máy thì loại còn lại có được tiếp tục sử dụng?

Khoản 4 Điều 4 Thông tư số 37/2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định: Người vi phạm hành chính có giấy phép lái xe tích hợp giấy phép lái xe có thời hạn và giấy phép lái xe không thời hạn, bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thì người có thẩm quyền quyết định xử phạt phải ghi rõ trong quyết định, xử phạt vi phạm hành chính các hạng xe được phép điều khiển theo giấy phép lái xe và áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn hoặc giấy phép lái xe không thời hạn đối với loại xe đã sử dụng khi thực hiện hành vi vi phạm (xe ôtô hoặc máy kéo hoặc xe môtô). Người vi phạm hành chính được quyền điều khiển những loại xe còn lại được ghi trong giấy phép lái xe.

Có thể hiểu đơn giản: Giấy phép lái xe A1 dùng cho người lái xe để điều khiển xe môtô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50cm3 đến dưới 175cm3. Giấy phép lái xe B2 cấp cho người điều khiển xe ô tô 9 chỗ ngồi, xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg. Khi sử dụng giấy phép lái xe tích hợp 2 loại này mà bị xử phạt thì lực lượng chức năng phải ghi rõ là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe A1 hay B2 trong giấy phép lái xe tích hợp.

Như vậy, tài xế vẫn có thể điều khiển ôtô hoặc xe máy, nếu không có quyết định tước giấy phép đối với loại còn lại. Tuy nhiêu, khi điều khiển phương tiện trên đường, người bị tước giấy phép lái xe cần mang theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên.