Apple đồng ý chi 95 triệu USD để giải quyết vụ kiện Siri nghe lén và ghi âm trò chuyện của người dùng,

Vụ kiện tập thể ban đầu chống lại Apple diễn ra sau một báo cáo năm 2019 của The Guardian, cáo buộc các nhà thầu bên thứ ba của Apple trong khi làm việc về kiểm soát chất lượng Siri "thường xuyên nghe thấy thông tin y tế bí mật, giao dịch ma túy và bản ghi âm các cặp đôi quan hệ tình dục" của người dùng.

Apple nói với The Guardian rằng chỉ một phần nhỏ các bản ghi âm Siri được chuyển cho các nhà thầu và sau đó đã đưa ra lời xin lỗi chính thức về vụ việc, khẳng định sẽ không lưu giữ các bản ghi âm nữa.

hey-siri-ios-17-2-1735858069.jpg
Siri được ra mắt vào năm 2011 và trở thành trợ lý ảo “già đời” nhất trong số các chương trình hỗ trợ bằng giọng nói hiện hành.

Siri thường được kích hoạt bằng một từ đánh thức có chủ đích như "Hey, Siri", tuy nhiên theo nội dung vụ kiện mới đây, có không ít lần trợ lý ảo này vô tình được kích hoạt mà người dùng không hề hay biết. Thậm chí, Siri có thể kích hoạt bằng một… tiếng khóa kéo. Các nguyên đơn vụ kiện, một trong số đó là trẻ vị thành niên khẳng định Siri vẫn được kích hoạt và ghi âm lại giọng nói của mình bất kể họ chưa hề thốt ra một từ đánh thức nào.

Không chỉ ghi âm lại cuộc trò chuyện của người dùng, "nhà Táo" còn tiết lộ chúng cho bên thứ ba như các đơn vị quảng cáo.

 Hai nguyên đơn cho biết cuộc trò chuyện của họ có đề cập đến giày thể thao Air Jordan và nhà hàng Olive Garden, sau đó họ đã nhận được những quảng cáo cho các sản phẩm đó. Một người khác cho biết anh ta đã nhận được quảng cáo cho một phương pháp điều trị phẫu thuật có thương hiệu sau khi thảo luận riêng với bác sĩ của mình.

siri-voice-generators-1-1735858194.webp
Siri thường được kích hoạt bằng các từ có chủ đích như "Hey, Siri", "Siri"... Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, trợ lý ảo này vẫn có thể được kích hoạt bằng những âm thanh rất "ôi trời" như tiếng khóa kéo.

Apple không phải là công ty duy nhất bị cáo buộc cho phép người khác nghe các bản ghi âm bí mật của người dùng. Google và Amazon cũng sử dụng các nhà thầu để nghe các cuộc trò chuyện được ghi âm, bao gồm cả các cuộc trò chuyện vô tình bị ghi âm. Google cũng đang phải đối diện với một vụ kiện tương tự.

Theo Bloomberg, thỏa thuận giải quyết trong vụ kiện của Apple có thể trả cho nhiều chủ sở hữu sản phẩm tại Mỹ lên tới 20 USD cho mỗi thiết bị và tối đa 5 thiết bị hỗ trợ Siri. Thỏa thuận này vẫn cần được thẩm phán chấp thuận.

Nếu được chấp thuận, thỏa thuận sẽ áp dụng cho một nhóm người ở Mỹ sở hữu hoặc mua iPhone, iPad, Apple Watch, MacBook, iMac, HomePod, iPod touch hoặc Apple TV có hỗ trợ Siri trong khoảng thời gian từ ngày 17/9/2014 đến ngày 31/12/2024.

Tuy nhiên, để nhận được số tiền đó, người dùng cũng cần đáp ứng một tiêu chí chính khác: họ phải tuyên thệ rằng họ đã vô tình kích hoạt Siri trong một cuộc trò chuyện có ý định bảo mật hoặc riêng tư. Các khoản thanh toán riêng lẻ sẽ phụ thuộc vào số lượng người dùng yêu cầu bồi thường.

Số tiền 95 triệu USD tương đương với khoảng 9 giờ lợi nhuận của Apple. Công ty có mức thu nhập ròng là 93,74 tỷ USD trong năm tài chính gần đây nhất.