Cứ cầu mong là rải tiền lẻ
Đầu năm mới, các ngôi đền, chùa nổi tiếng luôn đông đúc du khách thập phương. Mọi người đến du xuân, tham quan cảnh đẹp, hay đi lễ cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, cầu con...
Tuy nhiên, không ít nơi linh thiêng, thanh tịnh lại bị làm xáo trộn bởi những tờ tiền lẻ vứt bừa bãi. Những tờ tiền mệnh giá thấp như 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng được mọi người không tiếc rải khắp mọi nơi: không chỉ ở những nơi có bát hương, mà còn ở các hốc cây, vườn hoa, tượng thần, Phật, hộ pháp hay linh thú... Thậm chí, tiền lẻ còn bị ném xuống cả ao, giếng, phủ đầy mặt nước với hy vọng cầu may.

Gần đây nhất, sáng ngày 6/2 (mùng 9 tháng Giêng), đông đảo người dân và du khách đã đổ về Khu Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đền Nưa - Am Tiên (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) để tham dự lễ "mở cổng trời".
Ngay từ sáng sớm, khu di tích đã đông nghịt người. Nhiều du khách chen chân vào khu vực hành lễ để dâng hương, cầu may mắn cho năm mới. Bên cạnh các lễ vật, một số người còn rải tiền lẻ khắp nơi trên bàn thờ, mặc dù ban quản lý di tích đã đặt biển thông báo yêu cầu không để tiền lẻ.
Nhiều người còn rải tiền vào các chậu cây, tủ đặt linh vật trong khuôn viên di tích. Sau khi lễ xong, một số người tiếp tục có hành động xoa tiền lên hòn đá ở đỉnh Ngàn Nưa, hy vọng sẽ gặp may.
Anh Hoàng - một du khách từ huyện Triệu Sơn chia sẻ, rải tiền lẻ lên bàn thờ, mâm cỗ hay xoa tiền lên các hiện vật trong khu di tích là hành động thiếu tôn trọng. Ban quản lý đã bố trí hòm công đức, mỗi người cần ý thức hơn để giữ gìn sự trang nghiêm cho nơi linh thiêng này.
Ông Lê Phú Quốc - Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết, hàng năm, ban quản lý đều đặt biển quy định không được rải tiền lẻ khi cúng bái, đồng thời cũng bố trí các hòm công đức quanh khu di tích. Tuy nhiên, vì một số du khách chưa ý thức được nên vẫn xảy ra tình trạng này.
Năm ngoái, đền Quán Thánh (Hà Nội) đã phải lắp đặt camera và cử người túc trực để ngăn chặn hành động xoa tiền lên tượng đồng của người dân. Đại diện của ngôi đền nổi tiếng chia sẻ, hành động dùng tiền hoặc khăn để xoa lên chân tượng là hành vi bị cấm. Ban quản lý đã liên tục nhắc nhở và thông tin đến người dân, nhưng vẫn có một số người không tuân thủ. Thậm chí, có người còn chui dưới gầm bàn chỉ để đặt tiền lên chân tượng.

Nhiều người không chỉ rải tiền lẻ ở đền chùa hay nơi thờ tự mà muốn cầu mong bất cứ điều gì cũng đều thực hiện hành vi này. Điển hình là vào tháng 6/2024, trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2024 tại Quảng Bình, một số phụ huynh đã đến Trường THPT Võ Nguyên Giáp rải tiền lẻ, khấn vái.
Những phụ huynh này có con thi vào trường chuyên, vì vậy họ đã sử dụng biện pháp tâm linh này với hy vọng cầu cho con làm bài tốt và thi đậu như mong muốn. Họ đã rải những tờ tiền có mệnh giá 1.000 đồng trên đoạn đường trước trường và ở các gốc cây dọc vỉa hè.
Lời khuyên từ chuyên gia văn hóa
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, tiền tượng trưng cho vật chất. Khi đặt tiền, đặc biệt là tiền lẻ lên ban thờ, không khác gì việc mang thứ tầm thường của trần gian dâng lên Thần, Phật.
Suy nghĩ "trần sao âm vậy" dễ dàng hình thành trong tâm lý người đi lễ, xuất phát từ lòng tham và sự đố kị trong cuộc sống, khiến họ nghĩ rằng nếu người khác có gì, mình phải có nhiều hơn. Với suy nghĩ ấy và hành động đặt tiền lẻ lên lễ vật, chẳng khác nào đang hối lộ Thần, Phật. Điều này là điều cấm kỵ. Hơn nữa, hành động cố gắng nhét tiền vào lễ vật rất phản cảm, thiếu văn hóa và xấu xí.

Chuyên gia Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ, đừng để suy nghĩ tầm thường như “tốt lễ dễ kêu” dẫn dắt mình khi đi lễ. Vì nếu đi lễ không thành tâm, chỉ tập trung vào vật chất, thì càng dễ phạm tội hơn. Đình, đền, chùa là chốn tâm linh, thanh tịnh, nơi con người đến để tìm sự thanh thản, bình yên, chứ không phải là nơi xô bồ, đổi chác vật chất.
Chính vì thế, những quan niệm sai lệch về việc đặt tiền lẻ khi đi lễ cần phải được loại bỏ. Mọi người nên hiểu đúng về văn hóa tín ngưỡng và cách đi lễ chùa sao cho đúng đắn và văn minh.
Còn tiến sĩ Vũ Thế Khanh chia sẻ, trong đạo Phật có quy luật Nhân quả. Nếu một người sống đức độ, làm việc thiện và có ích cho xã hội, thì không cần phải xin, "các ngài" tự nhiên sẽ ban cho. Ngược lại, những người gian dối, độc ác, hay hèn mọn, dù có xin cũng không được.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng chỉ cần đến Phật và xin thì sẽ nhận được điều mình muốn. Việc đi lễ Phật là điều tốt, nhưng tốt hơn hết là nên phát nguyện làm những việc thiện, những điều tốt đẹp cho cuộc sống, đó mới là cách đi về phía tốt đẹp.
Nhiều người quan niệm rằng lễ vật dâng cúng càng lớn thì lộc càng nhiều. Theo tiến sĩ Vũ Thế Khanh, đây cũng là một sai lầm. Lễ vật lớn mà đi kèm với những hành động xấu, xin xỏ những điều không tốt thì lại càng tạo ra tội nặng hơn. Đến cửa Phật với tâm sáng và hành động phúc đức, đó chính là một lễ vật lớn, tự thân đã là sự kính dâng lên Phật rồi.