Biến thành “con nợ” khi tiền bỗng dưng chuyển vào tài khoản

Những kẻ lừa đảo ngày càng ranh ma, nhắm vào cả người không nợ nần, rồi sử dụng các biện pháp quấy rối tinh thần để buộc nạn nhân phải trả tiền vô lý.

Nợ từ “trên trời rơi xuống”

Chị Thu Hà (Bắc Giang) đã trải qua một khoảng thời gian đầy ám ảnh khi liên tục nhận hàng chục cuộc gọi hăm dọa đòi nợ sau khi bỗng dưng 600.000 đồng được chuyển vào tài khoản cá nhân của mình. Kẻ lạ mặt yêu cầu chị trả lại số tiền gấp đôi và thanh toán qua ứng dụng mà chúng cung cấp.

Chị Hà cho biết, cuối tháng 4 vừa qua, tài khoản ngân hàng của chị nhận được số tiền 600.000 đồng mà không rõ nguồn gốc. Do nghĩ là khoản chuyển từ công ty, chị không kiểm tra kỹ. Một tuần sau, một người lạ kết bạn qua Zalo và thông báo chị có hợp đồng nợ 1,2 triệu đồng trên một ứng dụng tiếng Anh và yêu cầu thanh toán gấp. Sau khi rà soát, chị không tìm thấy bất kỳ giao dịch nào liên quan và yêu cầu chứng từ vay nợ.

lua-dao-1727571912.jpg
Nhiều người bất ngờ bị đòi nợ sau khi nhận được 1 khoản tiền không rõ nguồn gốc chuyển vào tài khoản

Người kia nhanh chóng gửi hình ảnh căn cước công dân của chị, thông tin đã chuyển tiền vào tài khoản của chị trước đó, đồng thời đe dọa rằng nếu không thanh toán, thì sẽ đưa chuyện này tới nơi chị làm việc. Để tránh rắc rối, chị đã chuyển tiền cho đối tượng. Tuy nhiên, vài ngày sau, tài khoản của chị lại nhận được thêm 2,5 triệu đồng. Một tài khoản Zalo khác yêu cầu chị thanh toán khoản nợ 5,2 triệu đồng qua các ứng dụng như miracash, apple, chery.

Chị Hà từ chối thanh toán khoản nợ "từ trên trời rơi xuống" này. Ngay lập tức, chị bị đe dọa, khủng bố tinh thần bằng hàng loạt cuộc gọi và tin nhắn từ nhiều số điện thoại lạ. Có ngày chị nhận tới 30 cuộc gọi với những lời đe dọa liên quan đến người thân và uy tín cá nhân.

Thấy tình hình căng thẳng, chị Hà quyết định thuê một "hacker" để chặn các cuộc gọi và tin nhắn "khủng bố". Với chi phí 12 triệu đồng, chị đã chặn những thông tin quấy rối và thay đổi số điện thoại mới sau hơn 10 năm sử dụng. Dù vậy, giữa tháng 9, đồng nghiệp và người thân của chị liên tiếp nhận được tin nhắn yêu cầu nhắc chị trả nợ.

Tương tự, chị Thanh Thủy (Hà Nội) cũng nhận được hàng chục cuộc gọi đòi nợ liên quan đến khoản vay 3,8 triệu đồng được cho là chồng chị đã vay. Dù chị khẳng định gia đình không nợ, kẻ xấu vẫn tiếp tục gọi điện và gửi tin nhắn quấy rối hàng ngày. Khi không thể lấy được tiền từ chị, chúng chuyển sang gán chị là "con nợ", gửi tin nhắn đến đồng nghiệp và giám đốc của chị, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và uy tín của chị.

Đây không phải lần đầu tiên chị Thủy bị gán nợ vô cớ. Một năm trước, chị cũng từng bị quấy rối tương tự với khoản nợ 4,4 triệu đồng. Cuối cùng, để tránh rắc rối và bảo vệ công ty khỏi các cuộc quấy rối, chị đã chuyển khoản số tiền này, dù bản thân không nợ.

Chị Thanh Mai (Hà Nội) lại bị kéo vào vòng xoáy quấy rối khi nhận được các cuộc gọi yêu cầu nhắc nhở nhân viên về khoản nợ cờ bạc. Vài lần trả lời qua lại, tài khoản của chị bị chiếm quyền kiểm soát và chị nhanh chóng trở thành "con nợ" trong mắt những kẻ lừa đảo. Người thân, đồng nghiệp của chị cũng bị cuốn vào rắc rối này khi liên tục nhận các cuộc gọi hăm dọa.

lua-dao-1-1727571912.jpg
Nếu nghi ngờ mình là nạn nhân của lừa đảo "đòi nợ", cần liên hệ ngay với cơ quan công an 

Nên làm gì khi có khoản tiền lạ chuyển tới?

Những vụ việc như trên xảy ra với tần suất tăng cao trong thời gian qua. Theo một điều tra viên thuộc Phòng cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội, gần đây đơn vị ghi nhận nhiều vụ lừa đảo liên quan đến việc chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng.

Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi: Biết thông tin cá nhân như tên, tuổi, số điện thoại, địa chỉ, các đối tượng lừa đảo cố ý chuyển nhầm một khoản tiền vào tài khoản của nạn nhân. Sau đó, chúng giả danh là nhân viên thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên lạc với nạn nhân, yêu cầu trả lại số tiền đã chuyển như một khoản vay, kèm theo lãi suất "cắt cổ".

Nếu nạn nhân vội vã trả tiền mà không kiểm tra kỹ nguồn gốc, có thể rơi vào bẫy lừa đảo. Thậm chí, nếu người gửi tiền nhầm thực sự xuất hiện và yêu cầu hoàn trả, người nhận cũng sẽ gặp khó khăn vì thông tin giao dịch đã được lưu trong hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, có nhiều trường hợp đối tượng lừa đảo sử dụng thủ đoạn này để chiếm đoạt tài sản. Chúng giả danh là nhân viên thu hồi nợ hoặc người sống ở nước ngoài, yêu cầu nạn nhân hoàn trả tiền thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế. Nạn nhân phải nhập thông tin tài khoản ngân hàng vào đường link mà đối tượng cung cấp, dẫn đến việc toàn bộ số tiền trong tài khoản bị rút sạch.

Cơ quan công an khuyến cáo, khi nhận được khoản tiền lạ vào tài khoản, người dân cần liên hệ ngay với ngân hàng để thông báo về việc nhận tiền nhầm và đợi hướng dẫn trả lại. Không chuyển lại tiền cho người lạ khi chưa xác minh rõ ràng thông tin. Nếu nhận được cuộc gọi từ ngân hàng, hãy kiểm tra xem đó có phải là số chính thức hay không. Tốt nhất, người dân nên đến trực tiếp ngân hàng để xác nhận.

Đối với các khoản tiền nhỏ, có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê và đối chiếu thông tin trước khi tiến hành hoàn trả. Đối với các khoản lớn, hãy đến chi nhánh ngân hàng hoặc liên hệ cơ quan công an để xử lý.

Ngoài ra, hãy luôn cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền không rõ ràng. Theo đó, không chuyển tiền ngay lập tức, kiểm tra kỹ nguồn gốc và mục đích của giao dịch trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch chuyển tiền nào. Xác nhận thông tin người nhận và số tài khoản trước khi chuyển tiền, đồng thời so sánh với các nguồn tin chính thống hoặc ngân hàng chủ quản.

Nếu nhận được yêu cầu hoàn trả tiền như một khoản vay, hãy xem xét kỹ lưỡng và đảm bảo rằng các điều khoản và lãi suất được đề xuất là hợp lý. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay tài khoản ngân hàng qua các đường link không xác thực. Cảnh giác với yêu cầu cung cấp mã OTP hoặc mật khẩu ngân hàng.

Cuối cùng, nếu nghi ngờ mình là nạn nhân của lừa đảo, hãy báo cáo sự việc ngay lập tức cho công an hoặc ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời.