Cháy nổ ngày Tết: Cẩn trọng khi thắp hương

Bàn thờ ngày Tết nên bày biện vừa đủ, chừa khoảng cách giữa bát hương và đồ lễ, tránh tàn lửa từ hương có thể bắt lửa vào đồ lễ. Buổi tối đi ngủ nên tắt hương để đảm bảo an toàn.

Trong khoảng 1 tháng trước Tết, tình trạng cháy nổ trên cả nước có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, trong tháng 1/2024 đã xảy ra 194 vụ cháy, sự cố gây cháy. Số vụ cháy xảy ra tập trung nhiều đối với loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chiếm 87/194 vụ, tương đương 44,8%. Trong đó, vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra ngày 15/1 tại nhà ở kết hợp kinh doanh số 4 Hàng Lược (Hàng Mã, Hoàn Kiếm) làm 4 người tử vong. 

 Hay gần đây nhất, ngày 29/1, vụ cháy ngôi nhà của gia đình anh Lê Ngọc T. (ở thôn 4, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã khiến 3 mẹ con chị Trịnh Thị L. (SN 1984), cháu Lê Trịnh Ngọc S. (SN 2013) và cháu Lê Trịnh Ngọc Th. (SN 2018) tử vong. Ngôi nhà này của anh T. sử dụng tầng 1 làm nơi sửa chữa xe máy, còn hai tầng trên để ở và sinh hoạt hàng ngày.

Những que nhang nhỏ thắp trên ban thờ cũng có thể gây ra hỏa hoạn

Các cơ quan chức năng cho biết, các vụ cháy nghiêm trọng trên ban đầu đều là những tia lửa nhỏ. Nhưng do không được phát hiện kịp thời, tia lửa nhỏ này mới bén vào những đồ vật xung quanh gây ra cháy lớn. Vì vậy, để phòng tránh cháy nổ, người dân cần lưu ý đến những vận dụng, thiết bị có thể tạo ra tia lửa dù là nhỏ nhất, như que nhang trên ban thờ.

Một ví điển hình là vào năm 2022, tại Lạng Sơn, vụ cháy ngôi nhà ông Dương Văn Chơi (thôn Liên Lạc, xã Vũ Lăng) gây thiệt hại đến 200 triệu đồng, nguyên nhân là do thắp hương bất cẩn gây ra hỏa hoạn. Hay vào tháng 12/2021, tại huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa cùng thuộc Nghệ An cũng đã xảy ra 2 vụ cháy nghiêm trọng mà nguyên nhân là do thắp hương mồng Một.

Theo truyền thống của người Việt, sau khi mời tổ tiên về ăn Tết thì que nhanh trên ban thờ phải luôn đỏ lửa. Đây là khoảng thời gian, ban thờ dễ xảy ra cháy nhất. Ban thờ ngày Tết thường được bày biện rất nhiều đồ. Tàn lửa từ hương có thể bén sang các đồ thờ cúng, gây hỏa hoạn.

Thắp hương ngày Tết cần lưu tâm để phòng tránh hỏa hoạn

Do vậy, ngày Tết, quá trình đốt nhang cần chú ý theo dõi. Bàn thờ ngày Tết nên bày biện vừa đủ, chừa khoảng cách giữa bát hương và đồ lễ, tránh tàn hương rơi vào. Dù là truyền thống, nhưng buổi tối đi ngủ nên tắt hương để đảm bảo an toàn.

Nói rộng ra một chút, ngày thường cũng nên dọn dẹp sạch sẽ xung quanh bát hương, bàn thờ, rút bỏ bớt chân nhang đề phòng lửa bùng cháy từ chân nhang. Nếu thắp hương cũng phải có người trông coi, hương hết mới được ra ngoài. Ngày nay, ban thờ của nhiều gia đình còn được lắp đặt các thiết bị đèn thờ. Với những thiết bị này cũng cần lưu ý lắp đặt với khoảng cách an toàn. Dây dẫn đảm bảo cường độ điện. Hệ thống điện cần phải có ngắt tự động để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy.