“Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người bán có vi phạm pháp luật?

Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người rao bán suất mua vàng miếng với mức giá vài trăm nghìn đồng/suất, NHNN cho biết, cơ quan chức năng ngành công an đang triển khai các biện pháp xử lý.

“Chợ” suất mua vàng sôi động

Để giảm tải tình trạng tụ tập xếp hàng trước những điểm bán của 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC, các đơn vị này đã chuyển sang bán vàng trực tuyến, thay vì đến mua trực tiếp, người mua sẽ đăng ký trực tiếp trên website rồi đến nhận hàng tại điểm bán. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai, khá nhiều người dân cho biết rất khó để đăng ký thành công.

Trong khi đó, các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng như Doji, Bảo Tín Minh Châu, PNJ,...cũng gần như ngừng bán ra thị trường từ sau biện pháp can thiệp thị trường của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Do vậy người dân có nhu cầu mua vàng miếng không dễ được đáp ứng.

Khó mua vàng miếng khiến người dẫn đổ xô sang vàng nhẫn khiến sản phẩm này cũng khan hiếm theo và gần như đuổi kịp giá vàng miếng trong 1 số thời điểm. Trong bối cảnh này, những hình thức kinh doanh mới được ra đời. Theo đó, bên cạnh việc mua bán trao đổi vàng miếng SJC trên thị trường “chợ đen”, các suất mua vàng trực tuyến cũng đang được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội.

vang-mieng-1721841371.jpg

Cả vàng miếng và vàng nhẫn đều rơi vào tình trạng "khan hiếm" trong thời gian gần đây

Chỉ cần gõ từ khóa “mua bán vàng miếng SJC” trên mạng xã hội Facebook, ngay lập tức được trả về rất nhiều kết quả các hội nhóm mua bán trao đổi mặt hàng này với hàng chục, hàng trăm nghìn thành viên.

Khảo sát tại 1 nhóm “Giao lưu vàng miếng SJC, PNJ, Doji không qua trung gian” cho thấy, chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ, đã xuất hiện vài chục bài đăng chào bán suất đăng ký mua vàng SJC với mức giá dao động từ 250.000 – 350.000 đồng/suất tùy khu vực. 

Tại nhóm “Mua bán giao lưu vàng miếng SJC, 9999 HN” có 52.000 thành viên, mức giá cho mỗi suất này dao động trong khoảng từ 500.000 – 1 triệu đồng kèm theo cam kết “nhận vàng xong mới nhận tiền công”.

Trong vai người cần mua vàng, chúng tôi kết nối với một người đang rao bán suất mua vàng trên mạng xã hội. Người này tự xưng là kỹ sư công nghệ thông tin đang sinh sống tại TP.HCM. Anh ta cho biết, ngày 25/7 còn trống 8 suất mua vàng VietinBank giá 500.000 đồng/suất, còn nếu muốn mua ở BIDV, Agribank hay Vietcombank cũng có nhưng phải chờ 1,2 ngày.

suat-mua-vang-online-2-1721841940.png

Trung bình mỗi giờ đồng hồ sẽ có hàng chục các bài đăng với nội dung còn suất mua vàng online được đăng trên các hội nhóm

Người này tiết lộ, sở dĩ anh ta có nhiều suất mua vàng là vì đã sử dụng nhiều công cụ (tools) tự động điền các thông tin cá nhân mua vàng online của 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC từ các nguồn đi thuê hoặc tự tạo, nhằm tăng khả năng giành được suất mua vàng.

Đáng chú ý, tỷ lệ thành công của các công cụ này lên tới 96% nên người bán luôn đưa ra cam kết với khách hàng. Thậm chí, để tăng sự uy tín, người này không ngại chia sẻ những đăng ký mua vàng miếng thành công và thời gian nhận vàng tại ngân hàng.

Bán suất mua vàng cũng giống xếp hàng hộ

Trước những diễn biến phức tạp này, tại cuộc họp gần đây của NHNN, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, đã chỉ đạo 5 đơn vị được giao nhiệm vụ bán vàng trực tiếp đến người dân, làm việc cụ thể với các cơ quan công an tại địa phương và trung ương để có biện pháp đấu tranh phù hợp.

“Chúng tôi được biết, các cơ quan chức năng cũng đang triển khai những biện pháp xử lý”, ông Tuấn chia sẻ.

suat-mua-vang-online-1-1721842031.png

Để tăng độ uy tín, người bán không ngại chia sẻ hình ảnh những giao dịch thành công

Trước đó, Phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) cũng cho biết, đã phát hiện tình trạng thuê xếp hàng để mua vàng từ các điểm bán vàng “giá Nhà nước” và bán lại cho doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc. Đây đều là những cơ sở không được cấp phép, số vàng mua bán không chính thống, những sản phẩm không chứng minh được nguồn gốc đã bị tịch thu để xử lý.

Nhìn vào những nỗ lực xử lý các sự việc có thể gây bất ổn cho thị trường có thể thấy, mọi hình thức xử phạt chủ yếu là dành cho cơ sở, chủ cơ sở kinh doanh không phép. Hoặc các đơn vị cung cấp chứ chưa có biện pháp đối với “nghề” xếp hàng thuê rồi nhận công.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, về bản chất, việc bán suất mua vàng cũng có thể được xem là hình thức “xếp hàng thuê” chỉ khác là trên môi trường trực tuyến. Bởi theo như lời quảng cáo của những người này thì “sau khi đặt lịch thành công, sẽ đi cùng người muốn mua thực đến ngân hàng để nhận vàng, sau đó giao lại rồi mới nhận công”. Những bước giao dịch này có nhiều nét tương đồng với việc “xếp hàng lấy số - mua vàng bằng tiền của người thuê - giao lại – nhận công”.

truong-thanh-duc-1721842120.jpg

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, chưa có quy định xử phạt người xếp hàng thuê mua vàng SJC

Theo luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhìn nhận trên thực tế, hành vi thuê người đi xếp hàng hộ và trả tiền công cho họ không được coi là vi phạm pháp luật, không bị xử phạt vì không vi phạm quy định. Bởi lẽ đây là giao dịch dân sự, pháp luật không cấm, ngoại trừ các trường hợp gian lận, lừa đối gây ra vi phạm nào đó.

Việc phải mua hàng thông qua các đơn vị được NHNN ấn định là biện pháp ổn định tâm lý người dân, bình ổn thị trường vàng chứ không phải là quy định pháp luật. Do đó, chưa có cơ sở xử phạt các hành vi mua vàng hộ hay thuê người mua vàng.

Cũng theo ông Đức, để xác định hành vi một người có vi phạm pháp luật hay không cần xác định được 2 yếu tố: vi phạm quy định tại luật, nghị định hay thông tư nào và việc xử phạt được quy định tại đâu, mô tả câu chữ cụ thể rõ ràng ra sao. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì không thể xử phạt.

Ông Đức cho rằng, để xử phạt các hành vi thuê người xếp hàng mua vàng, cần có nghị định hoặc luật nêu rõ hành vi mua bán vượt định mức vàng theo quy định của NHNN là phạm pháp thì hành vi này mới được xem là vi phạm pháp luật.