Cổ đông cá nhân chính thức không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ tại ngân hàng

Để hạn chế rủi ro, giảm tỷ lệ sở hữu chéo, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của một cá nhân tại ngân hàng từ mức 5% xuống mức 3%.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 với những điểm mới liên quan đến việc siết chặt tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, đồng thời luật hóa các quy định về nợ xấu sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Lấp những “khe hở” hữu hình

Theo đó, luật mới quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông tổ chức từ 15% xuống 10%; giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông và người có liên quan của cổ đông từ 20% xuống 15%; cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công khai thông tin.

Cùng với đó bổ sung số nhóm người liên quan tổ chức tín dụng bảo đảm sự rõ ràng trong việc xác định người có liên quan nhằm góp phần hạn chế, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, sở hữu có tính chất chi phối hoạt động.

Những sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng sẽ từng bước được xử lý, tình trạng cổ đông và nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng đã có các quy định để loại bỏ, hạn chế.

nhnn-1719557859.jpg
NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng qua công tác thanh tra về tình hình sở hữu cổ phần

Trước đó, TS. Phan Văn Thường – giảng viên trường Đại học quốc tế Hồng Bàng, quy định sửa đổi này chỉ có tác dụng hạn chế, làm chậm quá trình các cổ đông câu kết chứ chưa ngăn chặn được sở hữu ẩn, giấu mặt.

Cũng theo ông Thường, trong mô hình sở hữu ẩn, mục đích của các cổ đông là tuân theo các chỉ đạo của ông/bà chủ ngân hàng giấu mặt. Bản thân người được thuê đứng tên cổ đông cũng có tâm lý hám lợi, sẵn sàng nhận mệnh lệnh từ người thuê. Từ đó, những ông/bà chủ giấu mặt sẽ khống chế, thao túng toàn bộ hoạt động của ngân hàng.

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhận diện và siết quy định sở hữu chéo từ lâu, nhưng hiệu quả chưa được như kỳ vọng, điển hình là lịch sử đã lặp lại với Vạn Thịnh Phát. Nhờ sở hữu ẩn, giấu mặt thông qua 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ mà Trương Mỹ Lan có thể sở hữu tỷ lệ gần như tuyệt đối tại SC với 91,5% từ đó thao túng, tìm cách rút ruột ngân hàng này, trong khi bản thân chỉ nắm giữ dưới 5% vốn.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đước – Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng các quy định tại luật sử đổi mới chỉ đáp ứng được 50% yêu cầu, còn lại phụ thuộc vào các quy định cụ thể liên quan, đặc biệt là việc thực thi luật của các ngân hàng và các cơ quan chức năng.

“Những quy định mới đã lấp đầy được “khe hở” hữu hình nhưng những “khe hở” vô hình lại phụ thuộc nhiều vào thái độ, quan điểm của các nhóm cổ đông lớn, nhất là những người chủ thật sự của ngân hàng”, luật sư Trương Thanh Đức nhận định.

Bên cạnh đó, còn một vấn đề đáng lưu ý cũng nhìn từ đại án Vạn Thịnh Phát – SCB, ngay cả khi không có sở hữu chéo, ngân hàng vẫn có thể bị rút ruột do gặp khó khăn trong việc xác định các chủ thể đi vay có phải công ty ma hay không.

so-huu-cheo-1719557989.jpg
Nay cả khi không có sở hữu chéo, ngân hàng vẫn có thể bị rút ruột do gặp khó khăn trong việc xác định các chủ thể đi vay

Cần một cơ quan độc lập giám sát NHNN

Trước những lo ngại của giới chuyên gia, NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần, hoạt động cho vay, đầu tư, vốn góp…Trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm sẽ chỉ đạo xử lý các tồn tại, nếu có dấu hiệu bất thường sẽ chuyển cơ quan điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật để xử lý (nếu có).

Trong năm 2023, NHNN cũng đã tập trung triển khai thanh tra các nội dung về tỷ lệ sở hữu, mua bán, chuyển nhượng cổ phần; cấp tín dụng đối với cá nhân, nhóm khách hàng lớn (cho vay, bảo lãnh, LC, trái phiếu doanh nghiệp). Do vậy, NHNN vẫn tiếp tục đưa các nội dung này vào kế hoạch thanh tra năm 2024.

Giới chuyên gia cho rằng, giải pháp triệt để cho vấn đề sở hữu chéo, sở hữu ẩn, giấu mặt là kỷ luật thị trường. Hiện, công tác thanh tra giám sát trong hệ thống ngân hàng đang trao trọn cho các cán bộ thanh tra, giám sát của NHNN nhưng lại chưa có quy định rõ ràng về nội dung và phạm vi công việc. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lặp lại cơ chế xin cho, cán bộ lộng quyền.

Đặc biệt, thanh tra giám sát của NHNN vẫn có độ trễ nhất định. Do đó, cần một cơ quan độc lập khác giảm sát ngân hàng là rất cần thiết. Đặc biệt là có thể áp dụng mô hình giám sát chéo trong đó bên cạnh NHNN, thành lập thêm cơ quan có vai trò đối trọng với khối thanh tra, giám sát của NHNN, cùng với Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng và Bảo hiểm tiền gửi, cùng thực hiện việc quản lý hoạt động của hệ thống nagan hàng.

 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng đã luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu. Đồng thời quy định chuyển tiếp cho một số trường hợp đang áp dụng quy định của Nghị quyết 42 nhưng không luật hóa, bảo đảm quá trình xử lý nợ xấu không bị gián đoạn.