Nhức nhối chuyện gửi xe ô tô ở Hà Nội: Phải bán nhà vì không có chỗ đỗ xe

Một thực tế nhức nhối không dễ giải quyết là thiếu hụt chỗ đỗ xe nghiêm trọng tại các chung cư hiện nay. Nhiều cư dân buộc phải di chuyển xa, chấp nhận gửi xe ở các bãi xe tự phát bên ngoài, thậm chí phải bán nhà vì không có chỗ để ô tô.

Bán nhà vì phải gửi ô tô quá xa bên ngoài

Nếu những người có chỗ đỗ xe trong hầm “đau đầu” với động thái tăng giá thì rất nhiều cư dân lại phải đi rất xa để gửi ô tô ngoài bãi trông xe ở ngoài.

Anh Nguyễn Hà, cư dân một chung cư tại Hà Đông cho biết, slot đỗ xe của chung cư không đáp ứng đủ nhu cầu cư dân. Dù không quá khó để tìm kiếm nơi gửi xe bên ngoài, nhưng việc phải di chuyển quá xa, thậm chí từ 1-2km thực sư rất vất vả, đặc biệt trong những ngày thời tiết không thuận lợi, hoặc gia đình có nhiều trẻ con.

Một cư dân tại chung cư TSQ Hà Đông cũng chia sẻ, chung cư này chỉ có một tầng hầm (dù ban đầu thiết kế 2 tầng hầm) nên chỗ đỗ xe rất ít, vì vậy rất nhiều người phải gửi xe ở bãi bên ngoài.

“Nhiều người cũng mong muốn mua lại các slot chỗ xe của nhau, nhưng rất khó. Một số người mua lại nhà của chủ cũ đã có slot đỗ xe rồi thì có thể tiếp tục được “kế thừa” chỗ đỗ xe đó. Dù vậy, cũng phải qua khá nhiều “thủ tục””.

Các hầm xe chung cư chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của cư dân

Còn anh Nguyễn Đăng Khoa, cư dân tại một chung cư trên đường Nguyễn Xiển chia sẻ, cũng vì quá tải chỗ đỗ xe, anh phải gửi xe bên ngoài với giá khoảng 1,7 triệu đồng/tháng với vị trí cách nơi ở khoảng 2km.

“Việc phải di chuyển xa như vậy để gửi xe thực sự quá bất tiện. Chúng tôi cũng “xoay sở” nhiều cách để mong có được chỗ đỗ xe tại hầm, nhưng vì quá tải nên cuối cùng đành phải bán nhà, chuyển sang nơi khác”, anh Khoa nói.

Cũng chia sẻ về bất cập trong vấn đề chỗ đỗ xe, anh Lê Văn Tuấn, một nhân sự ngành truyền thông ở một chung cư tại Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm cho biết, từng nhiều lần “dở khóc dở cười” khi về muộn là… hết chỗ. Khi đó, anh phải đậu xe trên các khu vực đường nội khu và sáng ngày hôm sau phải dậy sớm đánh xe đi.

“Dù hiện nay việc đỗ xe chưa đến mức thiếu trầm trọng, nhưng với tốc độ gia tăng của ô tô cá nhân của cư dân thì thời gian tới, chỗ đỗ xe ở chung cư sẽ là vấn đề khá nhức nhối. Tôi lo ngại khi đó sẽ diễn ra tình trạng phải mua chỗ đỗ xe trong hầm như một số chung cư hiện nay”, anh Tuấn nói.

Trách nhiệm chính ở chủ đầu tư

Theo quy định do Bộ Xây dựng ban hành từ năm 2013, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, chủ đầu tư phải dành 20m2 diện tích làm chỗ đậu xe, gồm cả lối đi. Tuy nhiên, nhiều chung cư lại thiết kế khu giữ xe quá nhỏ, không đáp ứng hết được nhu cầu của cư dân.

Một nguyên nhân khác, lượng ô tô cá nhân gia tăng quá nhanh cũng khiến các quy định sớm trở nên lạc hậu.

Năm 2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đánh giá diện tích các điểm, bãi đỗ xe mới đáp ứng được khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe trong nội thành. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ về số lượng ô tô như hiện nay, diện tích dành cho các bãi đỗ, điểm trông xe phải gấp 15-20 lần hiện tại mới có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Đáng nói, tình trạng thiếu chỗ để xe ô tô ở các chung cư cao tầng được dự báo sẽ ngày càng nghiêm trọng. Theo dự báo, đến 2025 sẽ có gần 80% người dân sống tại các đô thị có đủ khả năng mua ô tô. Điều này kéo theo đó sẽ là hàng loạt bất cập khi hạ tầng giao thông, đặc biệt là tại các khu chung cư chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Đồng, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay nhu cầu điểm đỗ xe ô tô cá nhân tăng mạnh trong khi hạ tầng không đáp ứng kịp dẫn đến tình trạng ô tô tràn ra vỉa hè, lòng đường, sân chơi xếp hàng dài.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính

Theo ông Đồng, nguyên nhân chính thuộc về chủ đầu tư, do hành vi vi phạm quy định về xây dựng như xây vượt tầng, xây tăng căn hộ, xây thiếu diện tích tầng hầm đỗ xe, khuôn viên để xe.

Ngoài ra, nguyên nhân gián tiếp đến từ chủ trương, quyết định cho phép xây dựng các dự án chung cư một cách tràn lan. “Cứ hở đất là xây chung cư, cấp phép bừa bãi, phá nát quy hoạch tổng thể, dẫn tới các tòa chung cư san sát mọc lên như nấm. Ví dụ dọc tuyến đường Lê Văn Lương hầu như cứ có đất trống là sẽ có ngay tòa nhà chung cư mọc lên, dẫn tới gánh nặng lên hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, an sinh xã hội và trực tiếp rõ nhất là chỗ để xe cho cư dân…).

“Trách nhiệm chính rõ ràng thuộc về chủ đầu tư. Hiện nay đã có yêu cầu các chủ đầu tư tuân thủ giấy phép cấp cho dự án chung cư, tuy nhiên nhiều chủ đầu tư vẫn vi phạm. Do đó, cơ quan chức năng cần tiến hành thanh tra, rà soát thường xuyên, liên tục nhằm chấn chỉnh kịp thời các dự án chung cư vi phạm về xây dựng”, ông Đồng nói.

Theo vị luật sư, nếu những chung cư đã hoàn thiện chưa bàn giao nếu vi phạm kiên quyết phá dỡ phần vi phạm, nâng cao chế tài xử phạt và cưỡng chế đối với chủ đầu tư; hạn chế cấp phép xây dựng mới cho các dự án chung cư khu vực nội thành, tránh tình trạng “cứ hở đất là xây chung cư” dẫn tới phá nát quy hoạch tổng thể và hệ lụy lâu dài.