Đánh thuế nước ngọt lên 40%: Thay đổi thói quen tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân

Bộ Y tế cho rằng, mức thuế 10% mà Bộ Tài chính đề xuất đối với nước giải khát có đường là chưa đủ để thay đổi hành vi tiêu dùng, nên đề nghị nâng lên mức 40%.

Tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội lấy ý kiến vào tháng 10 và thông qua vào tháng 5/2025, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế 10% cho các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml.

Đề xuất này nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu sản phẩm có lượng đường thấp, đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc mở rộng phạm vi áp thuế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên bằng chứng và điều kiện thực tế tại Việt Nam.

nuoc-ngot-1-1729744156.jpg
Bộ Y tế đề xuất nâng mức thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt lên mức 40%

Tuy nhiên, Bộ Y tế lại đưa ra đề xuất nâng mức thuế tiêu thụ đặc biệt này lên 40%. Bà Hoàng Thị Thu Hương - Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, mức thuế 10% chỉ làm tăng 5% giá bán lẻ, không đủ để tạo ra sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng. Ví dụ, một chai nước có giá 10.000 đồng sẽ chỉ tăng lên 10.500 đồng sau khi áp thuế.

Theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), nước giải khát có đường gồm nước có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao. Sữa và sản phẩm từ sữa là sản phẩm dinh dưỡng nên không chịu thuế. Tương tự, nước khoáng thiên nhiên, đóng chai, nước rau quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao cũng không bị áp thuế.

Đánh thuế đồ uống có đường được coi là một biện pháp can thiệp hiệu quả nhằm giảm tiêu thụ các sản phẩm này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa thuế đồ uống có đường vào danh sách các chính sách khuyến nghị để ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống, đồng thời giải quyết tình trạng béo phì ở trẻ em.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), để tăng giá đồ uống có đường lên 20%, mức thuế cần đạt 40% hoặc áp dụng thuế tuyệt đối 7.000 đồng trên mỗi lít. Các tổ chức như Campaign và Bộ Y tế cũng ủng hộ phương án đánh thuế lên tới 40%.

Trong khi đó, nghiên cứu của Tổ chức HealthBridge Canada và WHO cho thấy, nếu áp dụng mức thuế 40%, ngân sách có thể thu được khoảng 17,4 nghìn tỷ đồng, đồng thời giảm tỷ lệ thừa cân và béo phì, phòng ngừa hàng chục nghìn ca bệnh tiểu đường type 2. Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc đưa số liệu, nhiều quốc gia áp dụng mức thuế này có thể giúp giảm tỷ lệ thừa cân từ 1 - 3% và béo phì từ 1 - 4%, đặc biệt là ở trẻ em.

Ngoài đề xuất hiện tại, các tổ chức quốc tế còn khuyến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với tất cả đồ uống chứa đường hoặc chất tạo ngọt không đường nhằm ngăn chặn việc chuyển sang các loại đồ uống không bị đánh thuế.

nuoc-ngot-1729744156.jpg
Bộ Tài chính  nhấn mạnh việc mở rộng phạm vi áp thuế cần nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên bằng chứng cụ thể phù hợp với điều kiện Việt Nam

Trước những kiến nghị trên, Bộ Tài chính khẳng định chính sách thuế này phù hợp với chủ trương bảo vệ sức khỏe cộng đồng và khuyến cáo từ WHO, UNICEF và Bộ Y tế. Tác hại của nước giải khát có đường đã được các tổ chức y tế chứng minh bằng các bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, Bộ nhấn mạnh việc mở rộng phạm vi áp thuế cần nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên bằng chứng cụ thể phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cho rằng, nước ngọt không phải là nguyên nhân duy nhất gây thừa cân, mà còn do nhiều yếu tố khác như chế độ ăn uống và hoạt động thể chất. Hiệp hội lo ngại, việc áp thuế có thể không hiệu quả, khi người tiêu dùng chuyển sang các thực phẩm chứa nhiều calo hơn.

Thực tế, số lượng quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đã tăng từ 35 quốc gia năm 2009 lên 104 quốc gia năm 2023, trong đó có 6 quốc gia Đông Nam Á. Các nghiên cứu ở Thái Lan và Mexico cho thấy, việc áp thuế đã giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường một cách đáng kể.

Tại Việt Nam, tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng mạnh trong những năm qua, từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023, góp phần gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh chuyển hóa. Theo thống kê từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do mỗi ngày, gần đạt mức giới hạn tối đa là 50g/ngày và cao gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là dưới 25g/ngày.