Đấu thầu vàng không hiệu quả, đâu là nguyên nhân?

Sau nhiều phiên tổ chức đấu thầu vàng miếng với mục đích kéo giá vàng trong nước về sát với thế giới nhưng kết quả lại đi ngược với mong đợi, thậm chí sự chênh lệch còn có xu hướng tăng lên. Đâu là nguyên nhân “bẻ gãy” sự nỗ lực của nhà điều hành?

Tính đến phiên giao dịch chiều ngày 20/5, giá vàng SJC đã tăng thêm 330.000 đồng/lượng so với ngày 19/5, lên mức 91 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Cùng ngày, giá vàng thế giới ghi nhận mức 2.438 USD/ounce (tương đương khoản gần 76 triệu đồng/lượng đã tính thuế phí, gia công).

Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới là khoảng 15 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, diễn biến này diễn ra ngay trước thềm phiên đấu thầu vàng miếng SJC thứ 8 diễn ra vào sáng nay (21/5). Dự kiến có khoảng 16.800 lượng vào miếng SJC sẽ được mang ra đấu thầu, với giá đặt cọc là 88,6 triệu đồng/lượng.

Đấu thầu không phải “cây đũa thần”

Kể từ sau Tết Nguyên đán tới nay, giá vàng trong nước liên tục “nhảy múa”. Phiên giao dịch ngày 10/5 vừa qua đánh dấu ngày giá vàng thiết lập mức giá chưa từng có  từ 90,1-92,4 triệu đồng (mua vào – bán ra), tăng gần 20 triệu đồng so với phiên giao dịch đầu năm (1/1/2024).

20 triệu đồng cũng là mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước trong phiên ngày 10/5. Đây là mức chênh kỷ lục từ trước đến nay. Sau đó giá vàng cũng có sự “giảm nhiệt” nhưng vẫn giao dịch quanh ngưỡng 90 triệu đồng/lượng.

Trước tình trạng giá vàng nhảy múa, NHNN đã đưa ra giải pháp đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung trong nước, rút ngắn khoảng cách với giá vàng thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 7 phiên đấu thầu được tổ chức, nhưng chỉ có 4 phiên thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn). Trong tuần này, NHNN sẽ tiếp tục có 2 phiên đấu thầu vào hôm nay (21/5) và ngày 23/5.

Tuy nhiên, biện pháp của cơ quan điều hành có vẻ như đang mang lại kết quả ngược với kỳ vọng, bởi sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng luôn có xu hướng tăng lên. Sự chênh lệch với thế giới vẫn neo ở mức cao, dao động từ 15-17 triệu đồng/lượng.

vang-sjc-1716228141.jpg

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không hề hạ nhiệt sau nhiều phiên đấu thầu vàng của NHNN

Có thể kể phiên đấu thầu vàng miếng diễn ra sáng 8/5 (phiên thứ 2 đấu thầu thành công), giá vàng đã tăng vọt lên hơn 92 triệu đồng/lượng (phiên 10/5). Tương tự, phiên đấu giá thành công thứ 3 (ngày 14/5) cũng ghi nhận mức giá tăng thêm 1,3 triệu đồng/lượng so với phiên trước đó, đạt 90 triệu đồng/lượng (bán ra).

Đánh giá về những về động thái của NHNN trong nỗ lực điều tiết giá vàng trong thời gian qua, nhiều chuyên gia đồng tình, việc cơ quan điều hành tổ chức các phiên đấu giá vàng là cần thiết, bởi nguyên nhân dẫn đến đà tăng “chóng mặt” của giá vàng là cung vượt cầu.

Dựa trên các lý thuyết, việc tăng nhập khẩu, sau đó tổ chức các phiên đấu thầu sẽ giúp tăng nguồn cung trong nước, kéo giá vàng hạ nhiệt. Tuy nhiên, các chuyên ra cũng nhận định tăng đấu thầu chỉ là giải pháp tạm thời, nếu sử dụng lâu sẽ tác động xấu tới nền kinh tế.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên nhân là do cầu vượt cung nhưng nhu cầu của người dân là bao nhiêu thì không thể xác định được. Dẫn đến việc phải nhập khẩu bao nhiêu, đấu thầu bao nhiêu cần thiết phải tính toán kỹ, nếu không có thể gây ra hiệu ứng ngược.

NHNN càng bán ra người dân đi mua vàng để đầu cơ càng nhiều, nhất là trong bối cảnh giá vàng thế giới vẫn được dự báo sẽ tiếp tục tăng, kéo theo nguy cơ tái diễn “vàng hóa” nền kinh tế như cách đây 11 năm. Chưa kể, nếu đấu thầu kéo dài sẽ phải sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, khiến quỹ dần suy giảm, từ đó gây áp lực cho công tác điều hành tỷ giá.

Có thể có bàn tay thao túng

Từ những diễn biến “lạ” trên thị trường vàng, một vấn đề đã được đặt ra, tại sao nguồn cung vàng bơm ra liên tục nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lại không có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Nguyên nhân được xác định là nguồn cầu lớn hơn cung, nhưng đây có thật sự là nhu cầu đầu cơ, tích trữ của người dân hay đã xuất hiện “bàn tay” thao túng?

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, thực tế là vàng đang rất thiếu nguồn cung lại chỉ diễn ra ở vàng miếng SJC. Trong khi đó, suốt thời gian qua khi nhắc đến cầu vàng, thường chỉ nói đến nhu cầu của người dân mà quên đi khía cạnh đến từ các công ty kinh doanh vàng. Đặt giả định, nhu cầu vàng hiện nay trên thị trường phần lớn đến từ chính những công ty vàng thì sự khan hiếm và mất cân đối cung cầu sẽ ngày càng tăng, từ đó đẩy giá vàng tăng cao hơn nhiều so với thế giới. 

Liên quan đến giả định và TS. Lê Đạt Chí đặt ra, “soi” vào báo cáo tài chính của một doanh nghiệp vàng niêm yết là PNJ có thể thấy, trong bối cảnh năm 2023 là một năm đầy khó khăn nhưng doanh nghiệp này đã về đích ngoạn mục với hơn 1.900 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 103% kế hoạch năm.

pnj-1716228448.jpg

PNJ được dự báo sẽ về đích kế hoạch kinh doanh sớm, thậm chí vượt xa trong bối cảnh giá vàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và hàng tồn kho của doanh nghiệp lớn như hiện nay

Về cơ cấu doanh thu của PNJ, trong khi doanh thu trang sức bán lẻ và bán sỉ giảm lần lượt 7,8% và 30,5% thì doanh thu vàng 24K lại tăng gần 21% so với năm 2022. Đáng chú ý, tính đến ngày 31/12/2023, tồn kho của PNJ lên đến 10.940 tỷ đồng. Đây là con số tồn kho cao kỷ lục của PNJ tính đến nay. Đáng chú ý, PNJ sử dụng 3.990 tỷ đồng giá trị tồn kho làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại.

Cần phải nhắc lại, 11 năm qua, NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng, trong khi hàng tồn kho của doanh nghiệp nghiệp vẫn tăng trưởng đều. Vậy câu hỏi đặt ra là công ty kinh doanh vàng mua vàng từ đâu để tăng lượng vàng tồn kho lớn như vậy?

Tại phiên họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thành cho rằng, đối với thị trường vàng, ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất đổn địa chính trị, đã hình thành thị trường “ngầm” về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô lớn, phức tạp và khó kiểm soát, nhất là hành vi ưa thích vàng ngày càng gia tăng của người dân.

Theo đó, để bình ổn thị trường vàng, TS. Lê Đạt Chí cho rằng, trước khi nói về cung vàng trong nước, cần giảm cầu vàng đầu cơ tích trữ từ chính hệ thống công ty kinh doanh vàng mới giúp giảm áp lực về vàng. Bởi lẽ, việc đáp ứng một dòng tiền lớn để đầu cơ với các công ty kinh doanh vàng là chuyện hết sức dễ dàng, họ có thể vay vốn từ ngân hàng. Một doanh nghiệp có thương hiệu có thể vay hàng ngàn tỷ đồng, số tiền đó dùng để mua vàng thì khó có nguồn cung nào đáp ứng đủ.