Giá vàng miếng lại lập đỉnh ngay sau phiên đấu thầu

Các phiên đấu thầu được kỳ vọng giúp ổn định thị trường vàng trong nước. Tuy nhiên, thị trường đang cho thấy điều ngược lại khi ngay sau phiên đấu thầu sáng qua, giá vàng mở phiên hôm nay đã lập đỉnh, vượt ngưỡng 88 triệu đồng/lượng.

Ngay thời điểm mở phiên giao dịch sáng nay (ngày 9/5), giá vàng miếng SJC tiếp tục lập kỷ lục mới khi được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức 85,9 triệu đồng/lượng mua vào và 88,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 700.000 đồng mỗi chiều. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán ở mức 2,3 triệu đồng.

Trong vòng 1 tiếng từ lúc mở cửa, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã 4 lần điều chỉnh tăng giá mua - bán. Tới 9h30, giá vàng miếng tại SJC đã lên mức kỷ lục mới 86,2 - 88,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng so với chốt phiên ngày hôm qua.

gia-vang-lap-dinh-1-1715225852.jpg
Giá vàng lập đỉnh mới với ngưỡng 88,5 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng giao dịch tại các đơn vị kinh doanh khác cũng có tăng, nhưng neo thấp hơn SJC. Cụ thể, PNJ niêm yết giá vàng miếng ở mức 86 - 88 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn DOJI và Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng vẫn dưới 88 triệu đồng/lượng bán ra.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn vẫn giữ ở mức ổn định, duy trì ngưỡng 73,3 triệu đồng/lượng mua vào và 75 triệu đồng/lượng bán ra.

Hôm qua, trong phiên gọi thầu thứ 5, Ngân hàng Nhà nước đã đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng miếng SJC cho 3 đơn vị với giá 86,05 triệu đồng/lượng và vẫn ế 13.400 lượng. Ngay sau phiên đấu thầu này, tới trưa cùng ngày, giá vàng miếng đã tăng vài trăm nghìn đồng mỗi lượng ở cả chiều mua và bán.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cung ra thị trường tổng cộng 6.800 lượng vàng miếng, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số mời thầu (mỗi phiên là 16.800 lượng, tổng 5 phiên là 84.000 lượng).

Từ khi Ngân hàng Nhà nước gọi thầu lần đầu tiên vào ngày 23/4, giá vàng miếng SJC tái diễn tình trạng "một mình một chợ", liên tục tăng nhanh hơn so với thị trường quốc tế. Mục tiêu đấu thầu tăng cung vàng miếng để kéo giảm chênh lệch giá trong nước với thế giới đang gặp thách thức trong ngắn hạn.

gia-vang-lap-dinh-1715225852.png
Biến động giá vàng từ đầu năm đến ngày 9/5 (Ảnh: vnexpress)

Như sáng nay, khi giá vàng miếng trong nước lập đỉnh giá mới thì giá vàng thế giới vẫn đi ngang. Vào 9h theo giờ Hà Nội, mỗi ounce vàng neo quanh 2.309 USD. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, 1 ounce vàng tương đương 70,9 triệu đồng. Như vậy, chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới khoảng 17,5 triệu đồng một lượng.

Vàng thế giới giảm giá nhẹ trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tập trung nhiều hơn vào triển vọng cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch trên thị trường đang tin rằng có khoảng 66% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Tuy nhiên chuyên gia phân tích Rhona O'Connell của StoneX cho rằng, những "cơn gió" thuận đối với vàng, đặc biệt liên quan đến rủi ro địa chính trị và những căng thẳng tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng vẫn đủ mạnh để hỗ trợ cho kim loại quý này.

Trước đó, vào giữa tháng 4, giá vàng thế giới đã chạm mức cao kỷ lục 2.431,29 USD/ounce. Mức giá này được thúc đẩy bởi nhu cầu tích trữ vàng mạnh từ ngân hàng trung ương các nước cũng như nhu cầu của các nhà đầu tư bán lẻ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.