Giảm bớt thủ tục rườm rà: Đề xuất bỏ quy định về cấp chứng chỉ định giá đất

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy định rõ các điều kiện của cá nhân được hành nghề tư vấn xác định giá đất và các điều kiện của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất.

Báo cáo tại cuộc họp rà soát, hoàn thiện dự thảo nghị định quy định về giá đất do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì vào ngày 21/6, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết dự thảo nghị định đã tiếp thu, chỉnh sửa quy định về các khoản chi phí khác để đảm bảo tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Liên quan đến cá nhân hành nghề tư vấn định giá đất, để giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ Bộ TN&MT đề xuất bỏ quy định về cấp chứng chỉ định giá đất. Đồng thời, Bộ này cũng đề nghị quy định rõ các điều kiện của cá nhân được hành nghề tư vấn xác định giá đất và điều kiện của cơ sở giá dục đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giá đất.

dgd2a-1718945472067819901636-1719030667.jpg

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu tại cuộc họp.

Bộ TN&MT chịu trách nhiệm việc công khai các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất đã xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ; thanh kiểm tra việc tuân thủ các quy định; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về danh sách tổ chức tư vấn xác định giá đất, định giá viên; kiểm tra, theo dõi việc chấp hành pháp luật về tư vấn xác định giá đất của tổ chức tư vấn xác định giá đất, định giá viên. 

Với cá nhân đã được cấp chứng chỉ định giá đất còn thời hạn và không thuộc trường hợp thu hồi sẽ tiếp tục được hành nghề trong thời hạn còn lại của chứng chỉ. 

Đối với cá nhân được giấy chứng nhận đã hoàn thành khoá học bồi dưỡng về định giá đất chưa được cấp chứng chỉ nhưng đủ điều kiện thì được hành nghề tư vấn định giá đất. 

Theo đánh giá, quy định này đảm bảo tính liên tục, không làm gián đoạn, ách tắc hay chậm trễ công tác định giá đất khi phải chờ thực hiện theo các yêu cầu mới. 

TS. Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng quy định quản lý chặt chẽ để đảm bảo năng lực, chuyên môn của tổ chức tư vấn và định giá đất; thêm nữa là cập nhật kiến thức cho cá nhân hành nghề định giá đất.  

Cũng tại cuộc họp, các ý kiến đề nghị Bộ TN&MT bổ sung căn cứ pháp lý, thực tiễn nhằm cho phép thực hiện sớm phương pháp thặng dư trong định giá đất đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng để sớm giải quyết các vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ xác định giá đất của các dự án bất động sản còn tồn đọng tại các địa phương do chưa có phương án xử lý. 

32024012808161320240130073637-1719030667.jpg

Hiện nay, nhiều đơn vị tư vấn không mặn mà định giá đất.

Thực tế hiện nay nhiều địa phương đang gặp khó khăn khi tìm đơn vị tư vấn xác định giá đất, một phần do việc định giá còn nhiều bất cập và năng lực các đơn vị chưa đảm bảo.

Theo bà Trần Thành Tâm, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, hiện nay không có nhiều đơn vị tư vấn mặn mà với công tác xác định giá đất. Bởi lẽ việc áp dụng các phương pháp định giá đất, nhất là thặng dư chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thẩm định viên do chưa có quy định cụ thể. Trong khi việc định giá đất trên thực tế còn nhiều bất cập, cơ sở dữ liệu giao dịch bất động sản trên địa bàn còn chưa đầy đủ và thiếu minh bạch. 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest cho biết, không chỉ chính quyền địa phương e ngại định giá đất mà nhiều dự án cũng không thuê được đơn vị tư vấn thẩm định giá đất. Hoặc nếu nhận thẩm định thì mức giá đưa ra rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp. 

Còn theo đại diện Sở TN&MT TP HCM, vướng mắc lớn nhất dẫn đến chậm xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung ở dự án bất động sản hiện nay là do việc thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá đất khó khăn, phí tư vấn thấp, rủi ro phát sinh cao và loay hoay trong phương pháp định giá. Việc đấu thầu chọn đơn vị tư vấn gần như bế tắc. Có dự án cả năm làm không ra chứng thư thẩm định dẫn tới lãng phí nguồn lực đất đai, dự án.