Vàng vẫn còn nhiều biến động
Tại tọa đàm “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế”, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, đặc điểm của thị trường vàng Việt Nam là không có những sàn vàng tập trung, minh bạch. Hiện, trên thị trường có hai danh mục vàng là vàng ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước quản lý và vàng trang sức.
Thời gian qua, thị trường vàng liên tiếp có những diễn biến bất ổn khiến các cơ quan chức năng phải áp dụng nhiều biện pháp để quản lý thị trường và bình ổn giá vàng. Kết quả đã đạt khả quan khi giá vàng miếng không còn tăng “vô tội vạ”, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới duy trì ở mức khoảng 4 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn đang gần đuổi kịp giá vàng miếng SJC, giao dịch ở ngưỡng 76 triệu đồng/lượng. Trước đây, giá vàng miếng và vàng nhẫn sẽ chênh nhau khoảng vài triệu đồng, hiện chỉ còn hơn 350.000 đồng/lượng.
Thực tế, trong khi giá vàng biến động khó lường, nhu cầu dự trữ vàng trong dân luôn thường trực, thậm chí có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) lại cho rằng, việc giá vàng “nhảy múa” và chênh lệch với thế giới không hoàn toàn phản ánh cân đối cung cầu.
Để “trị” chênh lệch giá không chỉ tập trung vào việc nhập khẩu vàng để “bình ổn giá” mà cần hạn chế lưu thông vàng vật chất trên thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, trên thị trường vẫn luôn tồn tại các "nhà tạo lập", nắm giữ một lượng lớn vàng được nhập lậu qua biên giới, có khả năng lũng đoạn về giá. Họ có thể đang tìm cách phá hoại các biện pháp bình ổn thị trường, chính là hiện tượng thuê người xếp hàng, đăng ký mua vàng từ 5 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước giao bán "vàng bình ổn".
"Điều này nghĩa là vẫn đang xuất hiện tình trạng cố tình găm hàng chờ Ngân hàng Nhà nước ngừng bán vàng thông qua các ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC sẽ tiếp tục tạo sóng thị trường, giá vàng trong nước lại tăng lên", ông Hòe cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cũng cho rằng "cơn bão vàng" vừa qua là có bàn tay của một số nhóm đầu cơ, nương theo sóng vàng thế giới để đẩy giá trục lợi. Trong tổng nguồn cầu trên thị trường, người dân có thói quen tích trữ vàng, hay mua làm quà tặng, của hồi môn là cũng có nhưng không quá lớn; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương không dại gì bỏ tiền ra ôm vàng vì rất cần vốn để kinh doanh, cùng với đó là phải tuân thủ những quy định chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Mở thí điểm sàn vàng tập trung
Từ những yêu cầu này, tại tọa đàm, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật SBLaw cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm của việc quản lý vàng trên thị trường thế giới về việc công nhận vàng trạng thái, hay nói cách khác là cần có một sàn vàng tập trung. Bởi, nhu cầu giao dịch vàng của người Việt Nam là luôn có nhưng không nhất định phải là vàng vật chất. Điều này được thể hiện qua nhiều sự việc lừa đảo, lôi kéo người dân mua bán, trao đổi trên sàn vàng trạng thái của nước ngoài, khiến nhiều người bị mất tiền.
Chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe cũng cho rằng, thị trường vàng cần được gắn với thị trường tài chính (hàng hóa phái sinh). Tại Trung Quốc, Thái Lan đều đã triển khai quản lý thị trường vàng theo cách này, giúp người dân không phải nắm giữ vàng vật chất, Nhà nước có thể huy động được tài sản này trong dân.
Nói rõ hơn, ông Hòe cho biết, bản chất của sàn vàng vẫn là sàn tài chính bởi đó là hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn. Cơ quan quản lý ban hành Nghị định khung về vấn đề này và cho phép thí điểm 3-5 năm, sau đó tổng kết, đánh giá rồi vận hành chính thức. Đồng thời, cho phép các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư…triển khai nghiệp vụ này, người dân có thể tham gia đầu tư qua quỹ để giảm bớt rủi ro.
Cũng chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia khác, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, ở Mỹ, tại một số thời điểm nhất định cũng cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bán cho người dân tín chỉ vàng (ETF) ghi nhận số vàng họ mua, không hạn chế số lượng mua của mỗi người.
Những tín chỉ này có thể được trao đổi giữa người dân với nhau, hoặc bán lại cho ngân hàng Trung ương. Còn vàng vật chất sẽ được giữ làm dự trữ ngoại hối, đồng thời khiến thị trường này không còn hấp dẫn. Đây cũng là hoạt động ở một số quốc gia tại thời điểm đồng nội tệ bị mất giá.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhận định, thay vì cấm người dân nắm giữ vàng nguyên chất, Nhà nước nên có những quy định khuyến nghị người dân đi gửi cho ngân hàng trung ương với lãi suất thấp. Từ đây sẽ có câu trả lời cho câu hỏi số lượng vàng thực tế trong dân là bao nhiêu?
Theo các chuyên gia kinh tế, dự trữ ngoại hối Việt Nam không nhiều, dùng ngoại hối để bình ổn thị trường vàng phải trả giá quá cao. Do đó, cần có những biện pháp làm giảm sức hấp dẫn của thị trường vàng, hướng người dân sang kênh đầu tư khác, hỗ trợ phát triển nền kinh tế.