Xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ từ sàn thương mại điện tử
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, nhiều cá nhân kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử và kỹ thuật số đã chủ động đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử mở rộng, đồng thời gây khó khăn trong việc quản lý do tính ẩn danh đặc thù của loại hình này. Do đó, tình trạng cá nhân và tổ chức kinh doanh trên mạng xã hội không khai báo, che giấu doanh thu vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thách thức lớn cho cơ quan thuế trong công tác quản lý.
Một số người bán hàng trên mạng xã hội thường chốt đơn qua điện thoại hoặc sau các buổi livestream quảng cáo trên nền tảng trực tuyến. Để né thuế, họ hướng dẫn khách hàng khi chuyển khoản thanh toán không ghi rõ nội dung liên quan đến hàng hóa mà thay vào đó sử dụng các nội dung như "cho vay," "trả nợ," hoặc "quà tặng." Đối với giao dịch trực tiếp, người bán thường yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt thay vì chuyển khoản để tránh bị cơ quan thuế phát hiện và kiểm soát.
Mới đây, tại hội thảo trực tuyến “Thuế Thương mại điện tử: Tối ưu chi phí thuế, tuân thủ pháp luật và đón đầu chính sách Nhà nước”, ông Trịnh Hồng Khánh - Giám đốc Công ty Thuế Ba Miền còn đưa ra một chiêu thức trốn thuế khác của người bán hàng online. Ông ví hành vi này như “ve sầu thoát xác”.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, cá nhân hoặc hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm sẽ không phải nộp thuế. Tuy nhiên, nhiều chủ hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử sử dụng tài khoản ngân hàng của người thân để nhận tiền bán hàng. Khi doanh thu chạm mốc 99 triệu đồng, họ chuyển sang sử dụng tài khoản khác nhằm né thuế.
Ông Khánh cảnh báo, cách lách luật này tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó có thể qua mặt cơ quan thuế, ngay cả khi chủ cửa hàng không nhận tiền qua tài khoản ngân hàng mà sử dụng hình thức COD (thu tiền mặt khi giao hàng).
Nguyên nhân là cơ quan thuế đã xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ với thông tin do các sàn thương mại điện tử cung cấp. Do đó, các cá nhân và hộ kinh doanh online nên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế để tránh bị truy thu, xử phạt vì hành vi trốn thuế.
Ông Phan Tuấn Nam - đồng sáng lập Webketoan Academy phân tích chi tiết rủi ro tài chính đối với trường hợp “ve sầu thoát xác” nếu bị cơ quan thuế phát hiện. Theo đó, với người đầu tiên nhận 99 triệu đồng doanh thu nhưng không kê khai, cơ quan thuế sẽ truy vấn lý do không khai báo hoạt động kinh doanh và tiến hành truy thu thuế trên khoản tiền này.
Ngoài ra, số tiền 99 triệu đồng chưa kê khai sẽ bị cộng dồn vào tổng doanh thu của shop, dẫn đến việc bị đánh thuế bổ sung thêm một lần nữa. Chưa dừng lại ở đó, hành vi trốn thuế có thể bị xử phạt với mức tiền phạt gấp 2 - 3 lần số thuế đã trốn, khiến tổng số tiền bị truy thu và xử phạt có thể lên đến 4 lần số thuế phải nộp ban đầu.
Ông Nam cảnh báo, cơ quan thuế hiện nay làm việc rất chuyên nghiệp và chặt chẽ. Do đó, các cá nhân và hộ kinh doanh online nên trung thực, minh bạch và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật để tránh những hậu quả tài chính nghiêm trọng.
Minh bạch và công bằng
Bà Hoàng Thị Trà Hương - Giám đốc Tư vấn FPT Zbiz cho biết, khi hộ kinh doanh hoặc cá nhân sử dụng căn cước công dân để đăng ký mở shop trên nhiều sàn thương mại điện tử, tất cả các shop này sẽ được định danh chung là một chủ sở hữu.
Cơ quan thuế không căn cứ vào số tài khoản nhận thu nhập để xác định doanh thu chịu thuế mà sẽ tính trên tổng thu nhập từ tất cả các shop trên các sàn thương mại điện tử, bất kể chủ shop nhận tiền qua tài khoản ngân hàng hay tiền mặt.
Bà Hương nhấn mạnh, nếu doanh thu vượt quá ngưỡng không chịu thuế mà chưa kê khai và nộp thuế, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, chắc chắn sẽ bị truy thu thuế.
Chuyên gia kinh tế Chung Thành Tiến nhận định: Hiện nay, tình trạng trốn và né thuế khá phổ biến, thậm chí nhiều người còn chia sẻ với nhau những “kinh nghiệm” để lách luật.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ hệ thống quản lý thuế, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, sự thiếu công bằng trong trách nhiệm đóng thuế cũng tạo ra tâm lý so bì, dẫn đến việc người này trốn được thì người khác cũng tìm cách trốn.
Việc yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cá nhân và giao dịch tài chính cho cơ quan thuế là một quy định hợp lý, phù hợp với xu hướng tiến bộ chung của thế giới.
Minh bạch hóa và bảo đảm công bằng trong thu thuế là yêu cầu cấp thiết để Chính phủ duy trì nguồn thu ngân sách, phục vụ quản lý xã hội và hỗ trợ các chính sách an sinh, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp... cho người dân.
Mỗi cá nhân cũng cần thay đổi tư duy, từ bỏ thói quen trốn thuế và làm quen với việc thực hiện nghĩa vụ thuế một cách nghiêm túc, công bằng, và minh bạch hơn.