Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài đạt tỷ lệ thấp

Tính đến ngày 15/5/2024, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài những tháng đầu năm của các bộ, ngành mới chỉ đạt 8,58% kế hoạch được giao. Đây là tỷ lệ được đánh giá là rất thấp.

Tại Hội nghị về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng đầu năm 2024, ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, lượng giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài trong hơn 4 tháng đầu năm ghi nhận gần 803 tỉ đồng, tương đương 8,58% kế hoạch được giao.

Trong đó, có 2 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân trên 10%  là Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT; 8 bộ ngành, chưa giải ngân kế hoạch vốn là Bộ LĐTB&XH, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Bộ GD&ĐT, Bộ TN&MT. Dự kiến đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ giải ngân có thể đạt khoảng 15 -17%.

Không chỉ tại các bộ, ngành, lũy kế giải ngân vốn nước ngoài của các địa phương tính đến 15/5 cũng chỉ mới đạt 5,7% kế hoạch vốn được giao. Mới có 5/53 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%; 28/53 địa phương chưa giải ngân vốn ngân sách trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

von-vay-nuoc-ngoai-1716374485.jpeg
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành mới chỉ đạt 8,58% kế hoạch được giao

Lý giải nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm trễ, bà Phạm Hồng Vân Trưởng phòng Dự án trung ương (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) cho rằng, chủ yếu vẫn xuất phát từ tình trạng không có khối lượng hoàn thành để giải ngân do nhiều dự án dù đã được bố trí vốn và hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; vướng mắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ sửa đổi hiệp định vay, chậm nhận được phản hồi của nhà tài trợ… Chưa kể, trong những tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành địa phương vẫn tập trung báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ đối với các khoản giải ngân từ tài khoản đặc biệt theo kế hoạch vốn 2023.

Đại diện một trong trong những đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0%, cũng là nơi chiếm lượng vốn lớn nhất là Bộ GTVT (4.366 tỉ đồng), ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư cho biết, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng tới quá trình giải ngân là giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn như dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, vướng đi qua khu vực nhiều rừng, thủ tục chuyển đổi rừng mất tới 1,5 năm khiến chi phí bị tăng lên con số không nhỏ.

Còn đại diện Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết, đơn vị có 1 dự án vay vốn từ World Bank đang triển khai. Trong năm 2024, vốn kế hoạch được giao cho dự án này là 624 tỉ đồng.

Dự án giải ngân 0% là do những vướng mắc từ 2023 liên quan đến tài sản đảm bảo, hợp đồng vay lại chuyển sang năm 2024 để tháo gỡ. Tuy nhiên, đến năm 2024, dự án lại tiếp tục gặp một số vướng mắc như quy định chặt chẽ dẫn đến thủ tục vay lại mất nhiều thời gian, dự án phải thẩm định thiết kế.

Để tháo gỡ tình trạng này, một số giải pháp đã được đề xuất như giám sát chặt chẽ tiến độ, tập trung triển khai thực hiện các dự án đã xong công tác chuẩn bị đầu tư; rà soát để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hoặc cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kịp thời hạn; khẩn trương xử lý vướng mắc giải phóng mặt bằng và các vướng mắc khác trong phạm vi thẩm quyền.