Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục. Mục tiêu thành phố đưa ra là số trường tư chiếm 21% tổng số trường học và 14 - 16% số học sinh vào năm 2025. Trong đó, với bậc mầm non, cả hai tỷ lệ này đều là 30%. Với phổ thông (lớp 1 - 12), số trường tư trung bình đạt khoảng 13%, số học sinh từ 7 - 40% (cao nhất ở THPT).
Cuối năm học trước, Hà Nội có 2.875 trường, khối tư thục chiếm 20,6%. Riêng ở THPT, tỷ lệ học sinh trường tư đạt hơn 25%. Thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì kiểm tra, giám sát hoạt động trường tư, nhất là công khai tài chính, học phí và cam kết chất lượng, đồng thời rà soát mạng lưới trường học để phát triển xã hội hóa giáo dục. Các quận, huyện cần có kế hoạch thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư cho giáo dục trên địa bàn, hỗ trợ các trường mua sắm thiết bị nếu cần thiết.
Năm học 2024 - 2025, Hà Nội có khoảng 2,3 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông, đông nhất cả nước. Điều này tạo áp lực lên hệ thống trường công lập khi sĩ số lớp bậc tiểu học ở 28/30 quận, huyện vượt quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (35 học sinh một lớp). Đặc biệt, vài năm trở lại đây, kỳ thi vào lớp 10 rất căng thẳng. Như năm học vừa qua, khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng các trường THPT công lập chỉ có khoảng 77.000 suất học, chiếm khoảng 61%.
Nhằm cải thiện tình trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất, đến năm 2025, cải tạo và sửa chữa 123 trường THPT. Ngoài ra, thành phố dự kiến xây thêm 16 trường, tổng vốn đầu tư gần 8.900 tỷ đồng. Sở cũng nhận định quỹ đất ở nội đô hạn chế, khó dành đất xây trường nên nhiều lần kiến nghị được hưởng cơ chế đặc thù trong đánh giá trường học đạt chuẩn, nâng tầng và xây thêm hầm ở các trường nội thành...
Trước thông tin, Hà Nội dự kiến tăng số lượng học sinh THPT vào trường tư từ năm 2025, chị Trần Thị Linh (Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ lo lắng. Con gái chị đang học lớp 9, sẽ thi vào lớp 10 trong năm sau. Dù gia đình ở quận trung tâm, nhưng kinh tế gia đình cũng chỉ đủ sống. Nếu con không đỗ được vào trường công lập, mà phải học trường tư thì áp lực chi phí học sẽ rất cao.
Nhiều chuyên gia giáo dục chia sẻ, mỗi năm cứ đến kỳ thi tuyển sinh lên lớp 10, phụ huynh và học sinh rất sợ không đủ điểm vào trường công, phải học trường tư. Có nhiều lý do khiến phụ huynh lo lắng khi con học trường tư, nhưng chủ yếu nhất vẫn là học phí cao.
Liệt kê các thứ tự ưu tiên trong vấn đề chọn lựa trường học cho con, chị Đặng Thanh Hương (Hà Nội) nhất trí rằng, quan trọng nhất là chi phí hợp lý, tiếp đến là môi trường học tập thân thiện, sau đó là phương pháp giáo dục phù hợp và cuối cùng là thuận tiện cho việc đưa đón. Đa phần các phụ huynh sẽ quan tâm đến vấn đề tài chính trước tiên, bởi lẽ quá trình học của con kéo dài nhiều năm, tốn khá nhiều chi phí. Vì vậy, phải cân nhắc dựa theo tình hình kinh tế riêng của mỗi gia đình.
Hiện nay, hệ thống trường ngoài công lập của Hà Nội rất đa dạng, từ trường theo từng cấp đến trường liên cấp Tiểu học - THCS, THCS - THPT hay từ tiểu học đến THPT. Thời gian một năm học ở các trường này tối đa là 10 tháng. Học phí các trường từ vài chục đến vài trăm triệu đồng một năm, tuỳ lớp, cấp học hay chương trình đào tạo.
Ngoài học phí, nhiều trường còn thu thêm các loại phí khác như phí tuyển sinh, ghi danh, phát triển trường, phí tham quan dã ngoại, đồng phục, học phẩm, tiền ăn và xe đưa đón theo nhu cầu. Tổng chi phí này cho một học sinh mới nhập học dao động khoảng 10 - 50 triệu đồng.