Học sinh sẽ không còn bị “ép” học thêm bên ngoài

Dự thảo Thông tư quy định về việc dạy thêm, học thêm hướng đến quản lý, tổ chức hoạt động này một cách công khai, minh bạch, đồng thời giải quyết triệt để những hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng, ép học sinh học thêm…

5 nguyên tắc cơ bản về dạy thêm, học thêm

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư quy định về việc dạy thêm, học thêm, lấy ý kiến đóng góp từ ngày 22/8 - 22/10. Khi được chính thức ban hành, nó sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành ngày 16/5/2012.

Dự thảo Thông tư đề xuất 5 nguyên tắc cơ bản về dạy thêm, học thêm. Thứ nhất, việc dạy thêm, học thêm chỉ được thực hiện khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện tham gia và có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ.

day-them-1724503359.jpg
Dự thảo Thông tư quy định về việc dạy thêm, học thêm, lấy ý kiến đóng góp từ ngày 22/8 - 22/10

Thứ hai, các tổ chức và cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được phép sử dụng bất kỳ hình thức nào để ép buộc học sinh tham gia.

Thứ 3, nội dung của dạy thêm, học thêm phải nhằm củng cố và nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho học sinh, đồng thời không được vi phạm pháp luật, không chứa đựng định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới tính, địa vị xã hội, hoặc vi phạm thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của Việt Nam.

Thứ tư, thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phải phù hợp với tâm lý và sức khỏe của học sinh, đảm bảo tuân thủ các quy định về an ninh, trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường tại nơi diễn ra hoạt động này.

Thứ năm, không được phép cắt giảm nội dung chương trình chính thức của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm, đồng thời không được dạy trước các nội dung chương trình học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường và không sử dụng các bài tập, câu hỏi đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh. Đặc biệt, các trường học đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ không được phép tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Về việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường, dự thảo quy định: Nhà trường phải công khai các thông tin liên quan đến việc tổ chức dạy thêm, gồm mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức phí và danh sách giáo viên dạy thêm theo từng môn học ở mỗi khối lớp. Điều này nhằm đảm bảo học sinh có nhu cầu học thêm có thể tự nguyện đăng ký tham gia.

Dự thảo cũng yêu cầu các tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Giáo viên (bao gồm cả phó hiệu trưởng hoặc cấp phó của người đứng đầu) đang làm việc và nhận lương từ quỹ lương của các cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục thường xuyên công lập, nếu tham gia dạy thêm bên ngoài, cần báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian dạy thêm, và cam kết hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như không vi phạm các quy định hiện hành.

Một điểm quan trọng trong dự thảo là giáo viên được phép dạy thêm học sinh của lớp mà họ đang giảng dạy trong nhà trường. Trong trường hợp này, giáo viên phải báo cáo và lập danh sách các học sinh đó gửi cho hiệu trưởng, đồng thời cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào để ép buộc học sinh tham gia học thêm.

day-them-1-1724503359.jpg
Các trường học đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ không được phép tổ chức dạy thêm, học thêm (Ảnh: Huyên Nguyễn)

Giải quyết vấn đề ép học thêm

Liên quan đến dự thảo thông tư này, trả lời Báo Thanh Niên, PGS. Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục Đào tạo) chia sẻ, điều quan trọng Bộ hướng đến là “điều trị” những hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng, ép học sinh học thêm, chứ không cấm nhu cầu có thực và chính đáng của người dạy và người học.

PGS. Nguyễn Xuân Thành đánh giá, thực ra đâu đó dạy thêm, học thêm cũng là nguồn lực xã hội, những giáo viên giỏi thì luôn có những học sinh hiếu học muốn học để phát triển được năng lực của các em. Như vậy, dạy thêm không phải là vấn đề phải cấm và chê trách cả.

Điều khiến dư luận bức xúc là giáo viên dạy học sinh ở trường rồi lại bằng cách này, cách kia "ép" học thêm do chính mình dạy ở bên ngoài. Phụ huynh và học sinh phải "tự nguyện một cách bắt buộc". Do vậy, đây mới là vấn đề mà ngành Giáo dục Đào tạo phải tìm cách quản lý và "điều trị".

PGS. Nguyễn Xuân Thành cho hay, qua thời gian dài theo dõi việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, ông thấy có một vấn đề nữa cần giải quyết: Việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường cũng có tình trạng không mạch lạc. Thậm chí gây ra sự phân biệt giữa "môn chính, môn phụ", giữa các giáo viên với nhau, hiệu trưởng ưu ái giáo viên dạy môn này hơn giáo viên dạy môn kia…

Vì vậy, việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà dự thảo đang xin ý kiến đã hướng tới quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch để khi có ý kiến thắc mắc, khi có thanh kiểm tra thì mọi thứ đều phải có giấy tờ xác minh...

Dự thảo thông tư mới có quy định khi giáo viên thấy cần thiết phải dạy thêm, học thêm thì cần nêu rõ lý do tại sao, mục tiêu là gì, thời lượng thế nào, nội dung ra sao… Đề xuất này được nêu trong tổ chuyên môn để mỗi người đều có quyền nêu suy nghĩ, ý kiến của họ.

Căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn thì hiệu trưởng sẽ tổ chức cuộc họp với ban lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện cha mẹ học sinh để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, đảm bảo thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh.