TP. HCM: Ngày càng có nhiều học sinh thừa cân, béo phì do thiếu vận động

Học sinh bị thừa cân, béo phì dễ chịu ảnh hưởng về tâm lý, cùng với đó là nguy cơ mắc phải các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, trầm cảm, ung thư… Và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở học sinh là thiếu vận động.

Nhằm mở rộng hoạt động khảo sát mô hình bệnh tật học sinh các cấp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học "Thực trạng các bệnh tật học đường phổ biến và các yếu tố liên quan năm học 2023 - 2024 trên địa bàn TP. HCM".

Theo đó, nhóm nghiên cứu của HCDC đã phối hợp với Bệnh viện Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và khoa Y Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, thực hiện tại 8 cơ sở giáo dục được chọn ngẫu nhiên với trên 1.230 học sinh từ mầm non đến THPT. Học sinh tham gia nghiên cứu được khám và phát hiện các bệnh tật học đường phổ biến gồm thừa cân, béo phì, sâu răng, tật khúc xạ, cong vẹo cột sống.

thua-can-beo-phi-1721112032.png
Kết quả nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng của học sinh thành phố Hồ Chí Minh (Đồ họa: HCDC)

Ngày 16/7, HCDC đã thông tin về kết quả nghiên cứu này. Cụ thể, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi lần lượt là 8,5% và 7%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi và gầy còm lần lượt là 1,9%, 3,8% và 0,9%. Với trẻ trong độ tuổi từ 5 - 19, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm lần lượt là 3,3% và 2,9%. Tỷ lệ thừa cân và béo phì lần lượt là 22% và 20%.

So sánh với tỷ lệ thừa cân, béo phì của cả nước, TP. HCM đang nhỉnh hơn 2% - 3%. Theo nhiều chuyên gia, trẻ bị thừa cân, béo phì dễ chịu ảnh hưởng về tâm lý, cùng với đó là nguy cơ mắc phải các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, trầm cảm, ung thư… Và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở học sinh là thiếu vận động.

Trong một hội thảo diễn ra vào năm 2022, PGS.TS.BS Tăng Kim Hồng - Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho hay, theo dõi học sinh tiểu học, THCS và THPT ở TP. HCM trong 5 năm thì thấy học sinh vận động quá ít.

Cụ thể, chỉ có 26,1% học sinh THPT tham gia vận động thể lực ít nhất 60 phút mỗi ngày trong 7 tuần. Với THCS, tỷ lệ học sinh không tham gia vận động ở lớp 6 có 30,7%, lớp 7 có 24,4%, lớp 8 là 30,9% và lớp 9 là 34,9%. Trong khi đó, trẻ mẫu giáo ở TP. HCM đạt tỷ lệ vận động (trước dịch) theo khuyến nghị chỉ đạt 18%, thời gian tĩnh dành cho laptop, điện thoại đến hơn 40%.

thua-can-beo-phi-2-1721112032.jpg
Vận động thường xuyên sẽ giảm tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ

Theo PGS.TS.BS Tăng Kim Hồng, béo phì từ thời bé có thể góp phần gây ra béo phì ở người trưởng thành và tim mạch sau đó. Thiếu vận động thể lực là yếu tố nguy cơ chính gây béo phì, rối loạn chức năng nội mô, nhất là gây ra bệnh xơ vữa động mạch sớm.

Ngoài ra, trong nghiên cứu của HCDC còn chỉ ra tỷ lệ mắc tật khúc xạ với trẻ trong độ tuổi 5 -19 là 54%. Tỷ lệ học sinh bị sâu răng là 55%. Tỷ lệ cong vẹo cột sống chiếm 8%, trong đó mức độ nhẹ là 7% và mức độ trung bình là 1%.

HCDC cho biết, kết quả nghiên cứu này cung cấp những số liệu chính xác, kịp thời để giúp các nhà quản lý chương trình sức khỏe hoạch định chính sách và thực hiện những chương trình bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học sinh sát với tình hình thực tế.

Không riêng TP. HCM, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Hà Nội cũng ngày càng tăng. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, kết quả đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường giai đoạn 2017 - 2021 tại 90 trường thuộc các khối lớp 5, 9, 12 cho thấy, học sinh tiểu học có tỷ lệ thừa cân, béo phì cao nhất với 37,8%, trong khi tỷ lệ này ở học sinh THCS là 16,8% và THPT là 11,3%.

Điều đáng nói là tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh theo các năm và ở khu vực nội thành cao hơn ngoại thành.