Hà Nội: Siêu bão Yagi chưa đổ bộ, đã có những thiệt hại đầu tiên về người và tài sản

Dù siêu bão Yagi chưa đổ bộ vào đất liền, tuy nhiên Hà Nội đã xuất hiện mưa gió lớn. Những thiệt hại đầu tiên do siêu bão đã có: 1 người thiệt mạng, 4 người bị thương và nhiều ô tô bị cây đè hư hỏng nặng.

Những thiệt hại được ghi nhận

Do ảnh hưởng rìa xa của hoàn lưu bão số 3 (Yagi), từ khoảng 14h45, Hà Nội bắt đầu xuất hiện giông mạnh. Hơn 15h, mưa gió bao phủ toàn bộ các quận nội thành. Trời tối sầm trong mưa gió.

Giông gió mạnh khiến rất nhiều cây cối trong thành phố bị quật đổ gây ảnh hưởng giao thông và nguy hiểm cho người đi đường. Tại nhiều tuyến phố như Láng Hạ, Hoàng Cầu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi, Thái Hà… ngoài cây đổ thì còn xảy ra úng ngập cục bộ.

yagi-1725625438.jpeg
yagi-4-1725625439.jpg
yagi-3-1725625439.jpg
Cây đổ đè lên nhiều ô tô

Nghiêm trọng nhất, tại đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), một cây phượng bật gốc đã đổ trúng một người đàn ông điều khiển xe máy chở theo một phụ nữ. Vụ tai nạn đã khiến người phụ nữ tử vong tại chỗ, còn người đàn ông bị thương nặng, đã được đưa đi cấp cứu. Cũng tại khu vực này, một số xe ô tô cá nhân đậu bên đường cũng đã bị cây đổ đè lên gây hư hỏng nặng.

Giông lốc và mưa lớn cũng đã làm cây cổ thụ ở ngã tư Hàng Cá - Chả Cá (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bật gốc, gãy đổ đè sập một mảng tường phía bên ngoài của căn nhà cổ. Lãnh đạo UBND phường Hàng Đào cho biết cây xanh đè trúng một mảng tường phía bên ngoài, chứ không phải làm đổ sập toàn bộ căn nhà như thông tin trên mạng xã hội. Sự cố này khiến 3 người bị thương, thiệt hại 2 xe máy. 

Bà Nghiêm Thị Thoa (64 tuổi) - chủ quán trà đá cạnh đó cho biết, cây cổ thụ có tuổi đời khoảng 100 năm, đổ sập xuống bức tường. Sự việc diễn ra trong tích tắc, khi nghe tiếng động, tôi không kịp chạy ra ngoài. Sau khi cây đổ, tạo khoảng không gian, bà mới bò ra ngoài.

yagi-2-1725625439.jpg
Cây đổ đè sập một bức tường (Ảnh: Dân trí)

Ngoài ra, sau trận mưa giông, giao thông tại nhiều tuyến đường Hà Nội xuất hiện ùn tắc kéo dài. Ghi nhận tại tuyến đường Phạm Văn Bạch, Trung Kính, Trần Thái Tông (Cầu Giấy), người dân nhích từng chút trên đường. Nút giao đường Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng cũng xảy ra tình trạng giao thông hỗn loạn, ùn tắc nghiêm trọng.

Tại Cầu Chương Dương, phương tiện ùn ứ hàng km theo hướng vào quận Hoàn Kiếm. Trong khi đó tại cầu Vĩnh Tuy, ô tô, xe máy xếp hàng dài chờ qua nút giao Cổ Linh ở cả 2 chiều.

Sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có văn bản gửi các bệnh viện và các sở y tế khu vực miền Bắc và miền Trung triển khai công tác ứng phó bão số 3 (Yagi). Lãnh đạo cục cho biết, siêu bão Yagi được dự báo với sức gió mạnh cấp 16, giật cấp 17, có thể gây ra thương vong hàng loạt do các chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp.

Do đó, cục đã yêu cầu các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương án tổng thể, bao gồm các kịch bản cho tình huống xấu nhất. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, vật lực và hậu cần để đảm bảo khả năng ứng phó kịp thời và hiệu quả khi bão đổ bộ.

yagi-1-1725625439.jpg
Sau mưa giông, nhiều tuyến đường tại Hà Nội bị ùn tắc (Ảnh: Tuổi trẻ)

Cục yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị tối thiểu hai đội cấp cứu lưu động, đảm bảo đầy đủ nhân lực, xe cấp cứu, trang thiết bị, thuốc và vật tư tiêu hao, đặc biệt chú trọng các phương tiện phục vụ cấp cứu chấn thương. Các đội này cần có quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể, danh sách liên lạc và trực 24/24h để sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão khi có lệnh điều động.

Sở Y tế cần bố trí trực chỉ huy 24/24h, chỉ đạo và giám sát các bệnh viện, đơn vị trực thuộc, đảm bảo sự chuẩn bị chu đáo cho mọi tình huống khẩn cấp trước, trong và sau bão. Đồng thời, công bố số điện thoại đường dây nóng để đảm bảo liên lạc thông suốt, kịp thời điều hành các đơn vị tham gia ứng cứu.

Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng yêu cầu các bệnh viện trong vùng bão chủ động sơ tán bệnh nhân và bảo quản trang thiết bị y tế, thuốc men. Đối với các bệnh nhân nặng, cần di chuyển họ cùng phương tiện máy thở và thiết bị cấp cứu lên các tầng cao để tránh nguy cơ ngập lụt. Bệnh viện phải chuẩn bị máy phát điện dự phòng và đủ nhiên liệu để duy trì điện trong thời gian bị cắt điện.

Toàn bộ nhân lực bệnh viện cần sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu thương vong hàng loạt, cả trong bệnh viện và tại hiện trường. Việc phân loại nạn nhân cần được ưu tiên, đồng thời đảm bảo phân luồng bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp và tiêu hóa để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng trong bệnh viện. Các đơn vị phải cập nhật, tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.