Năm 2023 là một năm đầy khó khăn với thị trường bất động sản, nhiều ngân hàng cũng “đau đầu” với các khoản nợ xấu được cầm cố bởi bất động sản. Điều đáng nói, có những dự án, lô đất được đưa ra đấu giá nhiều lần nhưng vẫn “nằm bất động”.
Cụ thể, theo thông báo mới đây của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcombank), đơn vị này đưa ra bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà 8 tầng (địa chỉ lô 12 tập thể B15 Bộ Công an, nay là số 17 ngõ 68, phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) nhằm thu hồi nợ vay. Mức giá khởi điểm là hơn 20,5 tỷ đồng và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ nhà đất, các nghĩa vụ tài chính khác liên quan.
Không chỉ PVcombank, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Tràng An (Agribank Tràng An) mới đây đưa ra thông báo bán đấu giá khoản nợ tính đến 31/12/2023 là 84,7 tỷ đồng liên quan đến "đất vàng" đặt trụ sở của Tập đoàn Tân Hoàng Minh của Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Viễn Đông. Trong đó, dư nợ gốc 71,5 tỷ đồng, lãi phải trả 13,2 tỷ đồng.
Theo đó, tài sản bảo đảm cho khoản nợ này là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng thuê dài hạn và không hủy ngang tòa nhà văn phòng và trụ sở Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Sự Thật, số 24 Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Tưng tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng vừa rao bán đấu giá lô đất (loại hình đất ở đô thị với thời hạn sử dụng đất lâu dài) nằm tại số 28 - 30 Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5, TP.HCM với diện tích quyền sử dụng đất 1.774m2, giá khởi điểm được đưa ra là hơn 282 tỷ đồng. Trước đó, 6/2022, ngân hàng này từng đưa ra đấu giá 530,5 tỷ đồng. Như vậy, giá khởi điểm của lô đất giảm gần một nửa.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, khách hàng mua bất động sản phát mãi, thanh lý sẽ có cơ hội để sở hữu tài sản với mức giá khá hấp dẫn so với thị trường, đặc biệt giấy tờ pháp lý đã được thẩm định kỹ càng...
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng tiềm ẩn một số rủi ro, người mua cần cẩn trọng. Thứ nhất, nhiều tài sản bảo đảm được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay nên cần định giá lại. Đồng thời, giá trị phát mãi thường không sát với thực tế thị trường bởi, tài sản đó có xu hướng định giá theo khoản nợ và khoản lãi phát sinh. Thứ hai, người mua cần nắm được lý do bị phát mãi, tránh trường hợp có tranh chấp với bên thứ ba.