Hỗ trợ di chuyển nhà ven kênh rạch lên 70%: Liệu có tạo tiền lệ xấu?

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có đề nghị hộ dân có nhà, đất ở ven kênh, rạch hình thành do lấn chiếm sẽ được hỗ trợ chung một mức bồi thường 70% giá đất ở. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng đây vốn là khu vực lấn chiếm nên việc hỗ trợ ở mức cao có thể tạo tiền lệ xấu.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị UBND thành phố xem xét, chấp thuận các chính sách mới liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với dự án thu hồi đất, di dời nhà trên và ven kênh rạch.

Nhiều mức hỗ trợ theo hướng tăng lợi ích

Theo đó, Sở TN&MT đề xuất, đất có nguồn gốc sông, ngòi, kênh rạch, suối và mặt nước chuyên dùng đã lấn chiếm và tự chuyển mục đích sử dụng thì không được bồi thường nhưng được tính hỗ trợ về đất.

Cụ thể, đối với nhà đất sử dụng trước ngày 1/7/2014 sẽ được hỗ trợ 70% giá bồi thường đất ở (sau khi trừ đi nghĩa vụ tài chính). Trường hợp sử dụng từ ngày 1/7/2014 trở về sau sẽ không tính hỗ trợ về đất. Như vậy, mức hỗ trợ này đã tăng mạnh so với trước đây (15 – 40%). Diện tích đất để tính hỗ trợ là phần diện tích có nhà, công trình, vật kiến trúc.

Lý giải mức đề xuất này, Sở TN&MT cho biết, mức hỗ trợ trước đây không nhận được sự đồng thuận, trong khi mốc thời gian mới được xác định dựa vào Luật Đất đai 2024 chính thức được thị hành ngày 1/8 có lợi hơn cho người dân.

nha-ven-kenh-rach-1-1721736427.jpeg
Nếu được thông qua sẽ áp dụng ngay các chính sách mới với 2.300 hộ dân tại dự án Rạch Xuyên Tâm

Về chính sách tái định cư, Sở TN&MT cũng đề xuất theo hướng có lợi hơn dựa trên Luật Đất đai 2024 và Nghị quyết 18 của Đảng với nội dung sau khi bị thu hồi đất thì người dân phải có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Cụ thể, trường hợp bị thu hồi toàn bộ nhà ở, đất ở đủ điều kiện bồi thường về đất ở thì được giải quyết tái định cư bằng nền đất hoặc nhà ở xã hội. Mức hỗ trợ này cũng áp dụng với tùy từng trường hợp với hộ dân bị thu hồi nhưng không đủ điều kiện bồi thường.

Ngoài ra, Sở TN&MT cũng kiến nghị cho các hộ có nhà đất ven, trên kênh rạch được hỗ trợ tiền đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu. Đồng thời được hỗ trợ trả góp các căn nhà trong khu tái định cư với thời hạn tối đa 15 năm, lãi suất tính theo lãi tiết kiệm không kỳ hạn bình quân của 4 ngân hàng quốc doanh trên tổng số dư nợ.

Đây cũng là đề xuất theo hướng có lợi hơn với người dân so với quy định cũ. Trước đó, chỉ những hộ nghèo, không có giấy tờ hợp pháp, không hưởng chính sách nhà ở xã hội sống trong khu vực trên và ven kênh rạch mới được bố trí tái định cư bằng hình thức bán, cho thuê nhà ở xã hội.

Sở TN&MT TP.HCM cũng đề nghị áp dụng ngay các chính sách mới với 2.300 hộ dân tại dự án Rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) thực hiện tại quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp.

Lo tạo tiền lệ xấu

Theo thống kê, TP.HCM hiện còn hơn 21.000 căn nhà trên và ven kênh rạch cần phải di dời để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, do ngân sách ít, khó thu hút vốn đầu tư bên ngoài, thủ tục đền bù, tái định cư phức tạp nên tiến độ di dời đang rất chậm.

Với những mức hỗ trợ mới được đề xuất, kỳ vọng giúp thành phố đẩy nhanh và giải quyết dứt điểm lượng nhà này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, bản chất những căn nhà này là đất lấn chiếm, nếu được hỗ trợ mức cao sẽ trở thành tiền lệ cho nhiều người đang có ý định lấn chiếm.

Nhưng nhìn vào thực tế, những người dân sống tại khu vực này đều là người lao động có thu nhập thấp, hầu như chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước để tạo lập chỗ ở mới. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng để tiến độ di dời nhà ven và trên kênh rạch đạt bước tiến vẫn cần có những cơ chế đột phá, đặc thù.

nha-ven-kenh-rach-1721736404.jpg
Những căn nhà xập xệ cũ nát tại các khu vực kênh rạch gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan thành phố

Bên cạnh đó, bản thân việc là loại hình đất, nhà ở không đủ điều kiện để bồi thường, hỗ trợ theo quy định dẫn đến giá trị hỗ trợ thấp, không đảm bảo điều kiện ổn định sau khi di dời, cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiến độ ì ạch tại các dự án. Theo đó, điều này ảnh hưởng đến tâm lý, ý thức chung của người dân trong việc chấp hành chủ trương, cố tình kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng, bám trụ chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

Trong nhiều năm trước đây, vấn đề làm sao để di dời những căn nhà xập xệ, cũ nát gây mất mỹ quan thành phố, không đảm bảo điều kiện án sinh này đã khiến nhiều bên liên quan “đau đầu”.Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, thậm chí đã từng tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia, doanh nghiệp cùng bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, với bất cứ giải pháp nào, mục tiêu chung vẫn là đảm bảo lợi ích cho người dân, đảm bảo các yếu tố liên quan đến công ăn việc làm, học hành, dịch vụ xã hội và văn hóa tinh thần cho người dân. Khi có nhiều điều kiện tốt hơn để ổn định cuộc sống thì không ai muốn ra kênh rạch ô nhiễm lấn chiếm rồi sinh sống nhiều năm, thậm chí vài chục năm để được hỗ trợ.