Lạm dụng thuốc giảm đau, nhiều người nhập viện trong tình trạng nguy kịch

Ngộ độc thuốc giảm đau paracetamol có 2 nguyên nhân: Thứ nhất là chủ động uống quá liều để tự tử, thứ hai là lạm dụng thuốc, dùng sai dẫn tới quá liều mà không biết khi giảm đau, hạ sốt tại nhà.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP. HCM) đã tiếp nhận nam bệnh nhân Q. (50 tuổi, quê Long An) trong tình trạng đau vùng chân và vùng thượng vị. Tiến hành xét nghiệm và chụp CT bụng, các bác sĩ phát hiện lỗ thủng ở dạ dày. Thăm khám bụng bệnh nhân, bác sĩ nhận thấy hơi tự do ở bụng, ấn đau khắp bụng. Bệnh nhân có diễn tiến nặng hơn với biểu hiện mạch nhanh và huyết áp thấp, cần sử dụng thuốc vận mạch.

Người nhà bệnh nhân cho biết, ông Q. có tiền sử viêm loét dạ dày do dùng thuốc giảm đau xương khớp kéo dài và không được điều trị thích hợp. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Ngoại Tổng quát, Chỉnh hình vi phẫu, bệnh nhân Q. được chỉ định mổ khẩn để làm sạch ổ nhiễm trùng, khâu lỗ thủng.

lam-dung-thuoc-giam-dau-1-1726548354.jpg
Các bác sĩ khâu lỗ thủng dạ dày cho bệnh nhân Q. (Ảnh: A.N/ Thanh Niên)

Sau ca phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định, sinh hoạt bình thường, không còn đau bụng. Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Minh Tuấn - Trưởng khoa Ngoại Tổng quát cho biết, bệnh nhân Q. bị loét dạ dày do dùng thuốc giảm đau lâu ngày kèm bệnh lý đái tháo đường kiểm soát kém.

Khi nhập viện, người đàn ông trong tình trạng sốc nhiễm trùng rất nặng. Vị trí lỗ thủng lớn, bờ ổ loét xơ chai nên các bác sĩ gặp không ít khó khăn trong quá trình khâu lại. Tình trạng này nếu để lâu hơn chút nữa sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong.

Hiện nay, tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau dẫn tới phải vào viện cấp cứu xảy ra khá thường xuyên. Gần đây nhất,  Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã tiếp nhận bệnh nhân nữ (19 tuổi, Phú Thọ) trong tình trạng mệt lả, đau đầu, chóng mặt sau khi uống 9 viên paracetamol loại 500mg.

Trước khi nhập viện, bệnh nhân lên cơn sốt cao nên nhờ em trai 5 tuổi pha thuốc hạ sốt. Do không biết nên khi nhận được vỉ thuốc có 9 viên paracetamol 500mg từ tay chị, cậu bé đã hòa tan tất cả vào cốc nước và đưa chị uống. 8 giờ sau khi uống thuốc, bệnh nhân mệt lả, đau đầu, chóng mặt nên được gia đình đưa đến viện cấp cứu.

Tại bệnh viện, do vượt quá thời gian nên việc rửa dạ dày không còn tác dụng, các bác sỹ phải dùng thuốc giải độc và thải trừ paracetamol. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định, các dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường.

lam-dung-thuoc-giam-dau-1726548354.jpg
Nhiều người lạm dụng, dùng sai thuốc paracetamol dẫn tới quá liều mà không biết khi giảm đau, hạ sốt tại nhà

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân T.P.H ngộ độc nặng thuốc paracetamol. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh chậm, da, niêm mạc nhợt, tim nhịp nhanh, thể trạng suy kiệt, bụng chướng nhẹ, phù 2 chi dưới, ấn đau vùng hạ sườn phải.

Người nhà bệnh nhân cho hay, 10 giờ trước khi vào viện, người bệnh đã uống cùng lúc 60 viên Paracetamol 500mg. Sau khi uống, người bệnh đau bụng, buồn nôn nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu. Theo các bác sĩ, đây là liều thuốc rất cao, gấp khoảng 30 lần so với liều thông thường trong một lần uống ở 1 người lớn 50kg. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cấp paracetamol giờ thứ 10 và được điều trị giải độc.

Theo chuyên gia, hiện trên thị trường mỗi nước có thể có tới hàng trăm biệt dược có tên gọi khác nhau có chứa thành phần chính là paracetamol, trong đó với dạng viên có hàm lượng paracetamol mỗi viên phổ biến là 500mg.

Các sản phẩm thuốc có thể chứa paracetamol đơn thuần hoặc các thành phần khác ngoài paracetamol là các thuốc giảm đau khác phối hợp như các chất dạng thuốc phiện (như Codein, Tramadol) hoặc các thuốc loại kháng histamine như Chlorpheniramine, các thuốc co mạch giúp giảm ngạt mũi như Phenylephrine, các thuốc giảm ho như Dextromethorphan, Codein.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, paracetamol (tên gọi khác là Acetaminophen) có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình. Ở Việt Nam, hiện ngộ độc cấp paracetamol rất thường gặp. Ngộ độc paracetamol có 2 nguyên nhân: Thứ nhất là chủ động uống quá liều để tự tử. Thứ hai là lạm dụng thuốc, dùng sai dẫn tới quá liều mà không biết khi giảm đau, hạ sốt tại nhà.

Nguyên nhân ngộc độc thứ hai rất dễ xảy ra, thường với người sốt cao, kéo dài, đau nhiều, đau mạn tính... Đặc biệt, người có thể trạng suy nhược, gầy yếu, ăn kém, sốt cao hoặc nhiễm trùng nặng kéo dài, thường xuyên uống nhiều rượu bia rất dễ bị ngộ độc paracetamol.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau mà cần đến bệnh viện thăm khám để được kê đơn thuốc theo toa và điều trị tích cực, tránh những biến chứng do lạm dụng thuốc gây ra.