Lừa đảo đổi sang điện thoại hỗ trợ 4G đang nhắm vào người lớn tuổi

Nhân viên của một nhà mạng lớn cho biết, nếu nhìn bằng mắt thường, không thể phân biệt được điện thoại sử dụng công nghệ 2G hay 4G. Phải tra thông tin trên hệ thống đường truyền, nhân viên mới biết đó là máy giả công nghệ 4G.

Khan hiếm cục bộ điện thoại hỗ trợ 4G

Thái Bình đã thí điểm cắt sóng 2G tại một số địa bàn nên Trần Hoàng Nam (Kiến Xương, Thái Bình) phải mua cho bố mẹ điện thoại mới hỗ trợ 4G. Nam vốn định mua chiếc smartphone (điện thoại thông minh) cho bố mẹ, tuy nhiên 2 người không đồng ý, vẫn muốn sử dụng điện thoại “cục gạch”.

Tới nhiều cửa hàng gần nhà, Nam đều được cho biết đã hết hàng. Anh buộc phải lên tận TP. Thái Bình mới mua được. Anh Nam cho biết, anh đã mua cho bố mẹ mỗi người 1 chiếc điện thoại với giá 650.000 đồng/chiếc. Tình trạng khan hàng này xảy ra ngay khi khu vực nhà anh bị cắt sóng 2G.

dien-thoai-cuc-gach-2-1723855724.jpg
Nhiều nơi đang bị thiếu điện thoại "cục gạch" hỗ trợ 4G

 

Ở thủ đô, nhưng chị Phan Thị Thu Thảo (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng không mua được điện thoại “cục gạch” hỗ trợ 4G. Chị Thảo cho biết, khi nhận thông báo từ nhà mạng đề nghị nâng cấp máy để duy trì liên lạc, chị được giao nhiệm vụ sắm điện thoại mới cho 2 người già và 1 trẻ nhỏ trong nhà.

Cùng lúc phải mua 3 máy, ngân sách thì không nhiều, chị ưu tiên chọn máy "cục gạch" 4G trong tầm giá 500.000 đồng. Trước đây, loại máy không thiếu, nhưng hiện tại các đại lý đều khan hàng. Chị đến 2 cửa hàng lớn thì đều không còn máy. Nhân viên tại đây khuyên chị mua smartphone giá 2 triệu đồng hoặc đặt trước điện thoại “cục gạch”, có hàng về thì họ gọi báo.

Chị lại tới một số cửa hàng nhỏ trong xã, máy rẻ nhất của thương hiệu ít tên tuổi cũng tăng giá lên khoảng 800 nghìn đồng. Chị buộc phải cân nhắc vì số tiền bỏ ra gần gấp đôi dự kiến. Cuối cùng, chị Thảo chuyển sang phương án mua điện thoại cũ hoặc xin lại máy của người thân không dùng đến.

Tình trạng thiếu điện thoại "cục gạch" 4G được ghi nhận tại nhiều nơi, trong bối cảnh gần 10 triệu thuê bao phải nâng cấp khi sóng 2G tắt vào giữa tháng 9. Trên website của Thế Giới Di Động, những mẫu "cục gạch" có 4G hoặc smartphone giá rẻ hiện chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng, không bán online. Tuy nhiên ở nhiều khu vực, danh sách cửa hàng có sẵn máy không nhiều.

dien-thoai-cuc-gach-1-1723855307.jpg
Các nhà mạng đang tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi sang điện thoại 4G (Ảnh: VGP/HM)

Lừa bán điện thoại 2G thành 4G

Trước tình trạng nhu cầu mua điện thoại phím bấm hỗ trợ 4G tăng cao, nhiều đối tượng đã lợi dụng lừa người dân mua phải những chiếc điện thoại 2G nhưng “đội lốt” 4G. Nhất là khi đa số người có nhu cầu sử dụng máy phím bấm 4G là người cao tuổi – không hiểu biết về công nghệ.

Hiện nay, giá điện thoại “cục gạch” đã tăng theo nhu cầu của người dân. Nhưng các đối tượng xấu vẫn lừa đảo người cao tuổi mua máy 2G "đội lốt" 4G với giá 400.000 – 500.0000 đồng/máy. Thấy giá rẻ hơn, không ít người đã mắc bẫy.

Chính nhân viên của một nhà mạng lớn trong nước cho biết, nếu nhìn bằng mắt thường, không thể phân biệt được điện thoại sử dụng công nghệ 2G hay 4G. Vì khi mở máy, màn hình chính của điện thoại vẫn hiện lên 4G giống hệt máy sử dụng công nghệ 4G. Phải tra thông tin trên hệ thống đường truyền, nhân viên mới biết đó là máy giả công nghệ 4G. Đương nhiên, người dân, đặc biệt ông bà lớn tuổi càng không thể phân biệt được máy thật - giả.

Nhân viên này còn nhấn mạnh, người tiêu dùng mua phải các thiết bị này sẽ gặp tình trạng mất liên lạc hoàn toàn khi mạng 2G chính thức ngừng cung cấp từ 15/9 tới. Còn hiện tại, do chưa tắt sóng di động 2G nên dù mua phải điện thoại giả mạo công nghệ 4G thì vẫn có thể nghe, gọi bình thường.

Trong khi đó đại diện Viettel Telecom cho biết, nhà mạng này cũng nhận được phản ánh của nhiều người về tình trạng bị lừa mua phải điện thoại "cục gạch" 2G được quảng cáo là feature phone 4G. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024, Viettel đã không cung cấp dịch vụ mới cho bất kỳ thuê bao nào dùng máy 2G only. Do vậy, khi người dùng kích hoạt sẽ biết ngay loại điện thoại này không sử dụng được.

Để tránh bị lừa đảo, các nhà mạng khuyến cáo, người dân không nên vội vàng mua những sản phẩm trôi nổi với lời mời chào hỗ trợ 4G giá rẻ mà thực chất chỉ hỗ trợ 2G. Những sản phẩm giả mạo này chủ yếu là của các hãng không có thương hiệu hoặc hàng xách tay. Vì vậy, người dân nên chọn mua điện thoại tại các hệ thống cửa hàng uy tín.

Hiện nay, các hãng smartphone cũng đưa rất nhiều dòng sản phẩm phân khúc thấp, giá khoảng 2 - 3 triệu đồng để thúc đẩy khách hàng nâng cấp từ 2G lên thẳng các dòng smartphone, thay vì nâng cấp lên máy bấm phím 4G.

Việc chuyển đổi thẳng lên smartphone là cơ hội để người dân có thêm trải nghiệm với các dịch vụ mới. Ví dụ, người dân có thể vào mạng, sử dụng dịch vụ công của Nhà nước ngay trên ứng dụng cài đặt trong smartphone… từ đó dần dần hình thành xã hội số. Trong thời gian này, các nhà mạng đang gấp rút triển khai nhiều phương án hỗ trợ người dùng để chuyển đổi điện thoại.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khuyến khích việc chuyển đổi thuê bao sử dụng điện thoại 2G only sang smartphone. Đây là cơ hội để người dân được tiếp cận sử dụng công nghệ mới, tiếp cận các dịch vụ số tiện ích hơn.