Tiến sĩ Luật học Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia Khánh Hòa, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là đạo luật rất quan trọng, được xem xét kỹ lưỡng và rất thận trọng. Luật Đất đai 2024 bảo đảm được tính đồng bộ, phù hợp với quy định của Hiến pháp nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, các tổ chức.
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 rất nhiều và có 3 nhóm điểm mới. Đó là: Tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai; Bảo đảm lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất ở mức cao nhất; Tính công khai, minh bạch thông tin về đất đai được coi trọng.
Theo ông Thân, Luật Đất đai 2024 áp dụng giá đất theo giá thị trường sẽ đảm bảo lợi ích của người dân sở hữu đất. Theo đó, chủ đầu tư dễ dàng hơn trong việc đền bù giải tỏa, từ đó làm tăng giá đất theo giá thị trường và thúc đẩy đưa sản phẩm ra thị trường một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Điểm mới được dư luận quan tâm trong Luật Đất đai 2024 đó là bảo đảm lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, trong đó điểm nhấn quy định việc cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ. Theo đó, đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ mà không vi phạm pháp luật về đất đai cũng như không thuộc đất đang tranh chấp, đã sử dụng ổn định (sử dụng đất trước 18/12/1980-PV)… sẽ được Nhà nước công nhận cấp sổ đỏ, tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Về hạn mức công nhận đất ở, Luật Đất đai 2024 quy định UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện, tập quán tại địa phương quy định với trường hợp sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 và từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993.
Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể, rõ ràng và minh bạch hơn quyền của người sử dụng đất được luật. Ví dụ, người dân vẫn được quyền sử dụng đất bình thường nếu đất quy hoạch mà chưa có kế hoạch sử dụng đất. Trong trường hợp phải thu hồi đất thì địa phương phải công bố công khai kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Đối với đất cần thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (mà chưa có kế hoạch sử dụng đất) thì trong thời gian chưa có quyết định thu hồi đất, người sử dụng đất vẫn được tiếp tục thực hiện các quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Khi thực hiện dự án, nếu sau 2 năm chưa có quyết định thu hồi đất thì cơ quan có thẩm quyền phải điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi đất và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ đó cho người dân được biết. Khi cơ quan có thẩm quyền không công bố công khai thông tin điều chỉnh thì người sử dụng đất vẫn sử dụng đất bình thường. Ngoài ra, người dân cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ quyền tiếp cận thông tin.
Điều đáng nói, quyền tiếp cận thông tin về đất đai lần đầu tiên được Luật Đất đai quy định thành 1 điều luật, như vậy người dân được quyền thông tin về đất đai một cách minh bạch, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai có trách nhiệm cung cấp thông qua những kênh thông tin theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Luật Đất đai năm 2024 quy định 31 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, ngoài phạm vi 31 trường hợp này thì không được phép. Ví dụ, Nhà nước được quyền thu hồi đất để làm đường giao thông, trường học, bệnh viện… Nếu trường hợp phải thu hồi đất không thuộc 31 trường hợp trong Luật đã quy định thì chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung luật.
Luật Đất đai năm 2024 quy định, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh phải ban hành bảng giá đất hàng năm và thời gian đầu tiên áp dụng quy định này là ngày 1/1/2026. Mỗi năm tiếp theo, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh sẽ phải ban hành sửa đổi, bổ sung bảng giá đất mới ngay từ đầu năm. Khi đi vào thực thi quy định này sẽ góp phần rất lớn trong việc tháo gỡ những nút thắt trong quá trình thu hồi đất, cũng như làm lành mạnh thị trường bất động sản.