Mừng thọ đầu năm: Nét đẹp văn hóa của người Việt được truyền qua thế hệ trẻ

Đầu xuân năm mới, tại nhiều địa phương trên cả nước đã nhộn nhịp tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao niên. Điều này thể hiện sự tôn trọng của chính quyền, cùng tấm lòng hiếu thảo của con cháu với các cụ.
Lễ mừng thọ được tổ chức tại trụ sở UBND xã Quang Lịch

Mới gần 7 giờ sáng mùng 4 Tết, nhưng các thành viên trong gia đình cụ Tư (Quang Lịch, Kiến Xương, Thái Bình) đã xúng xính trong quần áo mới. Riêng nhân vật chính là cụ Tư cũng đã được con cháu mặc cho bộ quần áo dài màu đỏ. Đầu xuân năm mới, gia đình thêm niềm hạnh phúc khi cụ Tư năm nay thượng thượng thọ 95 tuổi.

Công tác chuẩn bị đã xong, con cháu trong nhà chia ra làm 2 nhóm: Một nhóm đưa cụ Tư vào trụ sở ủy ban nhân dân xã để nhận quà và bằng khen. Nhóm còn lại ở nhà chuẩn bị tổ chức mừng thọ tại nhà.

Con cháu tổ chức mừng thọ cho cụ Tư tại nhà

Bà Nguyễn Thị Hiên (Quang Lịch) năm nay cũng mừng thọ 75 tuổi. Tuy nhiên, bà chỉ vào tham gia mừng thọ tại xã mà không tổ chức tại nhà. Bà chia sẻ, lý do không tổ chức ở nhà vì kiêng kỵ những điều không may hoặc sức khỏe gặp vấn đề sau mừng thọ. Dù bà không tổ chức nhưng hàng xóm vẫn đến chúc mừng.

Theo truyền thống, mùng 4 Tết là ngày được xã Quang Lịch chọn tổ chức mừng thọ các cụ cao niên. Đại diện xã Quang Lịch chia sẻ, năm nay xã vui mừng khi tổ chức mừng thọ cho các cụ từ 70 tuổi đến 100 tuổi. Cụ thể, xã có 39 cụ 70 tuổi, 36 cụ 75 tuổi, 16 cụ 80 tuổi, 12 cụ 85 tuổi, 16 cụ 90 tuổi. Đặc biệt nhất, năm nay xã có 9 cụ ở độ tuổi 95 và 2 cụ tròn 100 tuổi.

Vị này cho biết thêm, tại buổi lễ mừng thọ do xã tổ chức, các cụ được nhận quà, giấy mừng thọ và 300.000 đồng. Xã có 2 cụ ở tuổi 100, nhưng do các cụ đã yếu nên trước Tết, đại diện chính quyền xã đã tới tận nhà để tặng quà.

Quan niệm dân gian, người sống thọ là nhờ phúc lộc trời ban. Mừng thọ chính là mừng phúc ấy. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được có thêm niềm vui, niềm tự hào.

Trước đây, người đủ 60 tuổi là đã tổ chức mừng thọ. Nhưng hiện nay, đời sống ngày một tốt hơn, đã chuyển từ “ăn no mặc ấm” sang “ăn ngon mặc đẹp”, nên việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người cao tuổi ngày càng tốt. Theo đó, độ tuổi mừng thọ cũng được nâng lên bắt đầu từ 70 tuổi.

Các cụ 70 tuổi gọi là chúc thọ, 80 tuổi là thượng thọ, 90 tuổi là thượng thượng thọ và 100 tuổi là bách tuế. Chúc thọ các cụ cao niên cũng không còn giới hạn trong gia đình, dòng họ mà được cả xã hội quan tâm.

Việc tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống ở khắp các làng quê Việt Nam. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ “kính già, trọng lão” và động viên người cao tuổi sống vui, sống khỏe và có ích. Qua năm tháng truyền thống này cũng nhân lên những giá trị tinh thần quý báu, trở thành nét văn hóa phong phú trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.