Khi hành lễ ở đền chùa chúng ta cần biết rằng đồ thờ cúng, tượng thần phật là tịnh dương khí, tức là vượng khí. Nếu người trần đụng chạm vào sẽ gây uế tạp, tản mát dương khí, sinh ra sát khí và người đó phải gánh chịu hậu quả. Những người bày đồ lễ không đúng quy định, nhét tiền lên ban thờ, vào tượng thần tượng phật... sẽ bị hao tổn phúc đức. Bỏ tiền vào hòm công đức mới có lộc và không bị tội.
Theo pháp sư Hải Đào (Đài Loan), muốn đời đời kiếp kiếp sinh ra là người nghiêm trang, đẹp đẽ, có nhiều phúc lộc thì nên chăm lo cúng hoa quả, trang hoàng tượng phật, giữ gìn không gian tam bảo sạch sẽ, thanh tịnh. Phỉ báng phật pháp, làm tổn hại đền miếu, thân tượng, gây uế tạp tam bảo thì tội không tránh khỏi. Thập phương lương thiện vãn cảnh chùa, bái phật thì không được có ý niệm sát sinh, trộm cắp, nói dối.
Vì thế tự ý sử dụng hoặc lấy đồ vật ở đền chùa là “đạo dụng thập phương thường trụ” (tức là phạm giới trộm cắp). Phật điển ghi “nhân nhỏ quả lớn”, thành tâm cúng dàng, lễ dù nhỏ nhưng phúc báo lớn lao; trộm của chùa, vật tuy sơ xài nhưng quả báo không thể gánh hết.
Không được đi giày dép, mũ áo, khăn, túi xách, gậy gộc, bao tay hoặc nhai trầu, hút thuốc... trong phật đường, trong tam bảo. Phật đường có giới hương, định hương và tuệ hương, phải trì giới để di dưỡng thanh tịnh, tuyệt đối không gây ồn ào, hỗn tạp.
Vào chùa phải đi từ cửa bên, không đi cửa chính giữa. Không đứng hoặc quỳ chính giữa, đối diện tượng thần phật để hành lễ. Cửa chính chỉ dành cho đức Phật, Ngọc đế hoặc vua chúa.
Đứng trước tượng thần phật phải cung kính nghiêm trang, không nhìn ngang ngó dọc, khệnh khạng trước tam bảo. Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong phật đường. Không được hắt hơi sổ mũi, khạc nhổ… quanh khu vực phật điện, tam bảo. Phạm những cấm kỵ này đều bị thiêu nơi địa ngục, kẻ tu hành không thể thành chính quả.
Nói về công đức của việc niệm phật danh, những người tu Tịnh Độ cho rằng đi vòng quanh tượng phật từ phải sang trái, vừa đi vừa niệm “A Di Đà phật” sẽ được hưởng 5 điều phúc đức: Con cháu đoan chính, xinh đẹp; lời ăn tiếng nói rõ ràng; hóa sinh thăng thiên; sinh ra trong gia đình quyền quý; siêu sinh đạo Niết Bàn.
Đi lễ chùa phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc giản dị, tuyệt đối không mặc váy ngắn, quần cộc, áo hở lườn hở nách… Nên dùng câu “A Di Đà phật” để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa. Khi ra về cũng dùng câu này để bái biệt.
Thành tâm dâng hương là lễ vật lớn nhất đối với thần phật. Tôn kính, ngưỡng vọng công đức của thần phật đối với chúng sinh, nguyện vì chúng sinh giác ngộ, hướng thiện, tu thân chính đạo... sẽ “hữu cầu tất ứng”, không cần sớ tấu, vái lạy hay bất kỳ lễ nghi rườm rà nào khác.
Phong thủy cho rằng phật thuộc kim, kim sinh thủy nên dễ thấm nhuần nuôi dưỡng vạn vật. Kim sinh thủy là cội nguồn của sự sống, đồng thời là biểu tượng của trí tuệ và tài lộc.
Lễ vật cúng phật nên dùng hương hoa, phẩm quả, là tượng trưng cho thành tựu trong quan niệm “nhân – quả”. Sáu lễ vật cúng phật gồm: Hương hoa thuộc mộc, đèn nến thuộc hỏa, phẩm quả thuộc thổ, âm nhạc (tức là lời khấn, lời kinh) thuộc kim, nước thuộc thủy và lòng thành kính. Nhưng nếu điều kiện không cho phép thì chỉ cần một thứ đó là lòng thành kính, tức là đức tin.
Đạo Phật coi trí tuệ là vô thượng, là phương tiện quan trọng để chúng sinh thoát khỏi bể khổ. Nhà phật coi giác ngộ làm mục đích tối thượng nên nước là lễ vật lớn nhất. Cúng thần phật chỉ cần chén nước trong và sự thành kính, không mâm cao cỗ đầy nhưng vẫn được công đức vô lượng.
Về việc thắp hương lễ phật, Phật quang đại tự điển ghi rõ: Giới hương là đem mùi hương tỏa ngát khắp mười phương. Kinh A Hàm, quyển 13 ghi: Giới hương này không ham muốn, không ô nhiễm, là trí tuệ giải thoát tột cùng, là hương tối diệu thắng.
Dâng hương biểu thị những ý nghĩa như sau: Thành tâm cúng dàng, tiếp dẫn chúng sinh; chuyển luân tín niệm trong pháp giới hư không, cảm ứng thập phương tam bảo; biểu thị thức tỉnh đệ tử Phật môn vô tư phụng hiến; biểu thị giới định chân hương, ngầm ý chuyên tâm tu giới, định, huệ, diệt tham – sân – si.
Theo kinh Phật, muốn cầu phúc, trước hết phải trồng cây phúc đức. Bố thí là nhân, cầu tài cầu phúc là quả. Phúc đức do mình làm ra, chẳng Phật nào cho cả “vận mệnh do mình tạo ra, phúc do mình tự cầu”. Lễ phật, nguyện bỏ lòng tham thì phúc lộc vô biên. Không tham thì không ai lừa được mình, không tà thì ma quỷ không dám phạm. Quả phúc là sự bình an mạnh khỏe cả thân thể và tâm hồn.
Vào lễ thắp 3 nén hương là biểu thị “giới – định – huệ”, tức là “tam vô lậu”; đồng thời biểu thị cúng dàng Phật – Pháp – Tăng (tam bảo). Nhưng nếu lễ hội đông đúc, không cần thắp hương, thành tâm niệm phật cũng được công đức vô lượng.
Giới hương, định hương, tuệ hương là 3 trong Ngũ phần hương (giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến). Định hương là tĩnh lặng thường trụ, không vọng niệm, không dao động. Ngũ phần hương có sự liên hệ mật thiết với Ngũ phần pháp thân. Phật giáo Tiểu thừa (Câu xá luận quang ký, quyển 1) giải thích: Giới thân là thân nghiệp và khẩu nghiệp thanh tịnh. Định thân là tam muội không, vô nguyện và vô tướng. Tuệ thân là chính kiến, chính tri…Phật giáo Đại thừa (Đại thừa chương nghĩa, quyển 20) cũng giải thích: Giới thân (của Như lai) đã xa lìa hết thảy lỗi lầm của 3 nghiệp Thân – Khẩu – Ý. Định thân là xa lìa tất cả vọng niệm. Tuệ thân là thấu suốt hết thảy pháp tính…
Thắp hương với tấm lòng tán thán chư phật như vậy thì đâu cần đến lễ vật. Tâm như vậy là nén tâm hương thơm nhất, là lễ vật lớn nhất kính dâng chư phật thì đâu cần chen lấn, xô đẩy vào thắp hương! Nhưng nếu điều kiện cho phép hoặc ở những ngôi chùa vắng vẻ thì thắp 3 nén hương. Cắm nén thứ nhất giữa bát hương, tâm niệm “cúng dàng đức Phật, giác ngộ bất mê” bởi Phật là vị chính giác, chính đẳng. Nén thứ hai cắm bên phải (theo tay phải của mình), tâm niệm “cúng dàng Pháp, chính nhi bất tà”. Có chính pháp thì tu hành mới có hiệu quả. Nén thứ ba cắm bên trái, tâm niệm “cúng dàng Tăng, tịnh nhi bất nhiễm”. Cắm hương xong mới ra hành lễ.