Người lao động chuyển hướng sang công việc linh hoạt, doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng

Giữa bối cảnh thị trường lao động thay đổi mạnh mẽ, nhiều người lao động tại TP. HCM đang dần chuyển sang tìm kiếm các công việc linh hoạt hơn, thay vì gắn bó lâu dài với các công ty.

Công ty khó tuyển lao động

Tại sàn giao dịch việc làm tổ chức sáng 8/11 tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 11 (TP. HCM), Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts VN chuẩn bị đầy đủ bảng hiệu, tờ rơi và bàn tuyển dụng. Công ty cần 300 công nhân với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng và các phúc lợi hấp dẫn, yêu cầu tuyển dụng rất đơn giản (nữ dưới 40 tuổi, biết đọc viết), nhưng sau vài giờ vẫn không có ứng viên nào.

Dù công ty đã áp dụng nhiều phương thức như đăng tuyển hàng ngày, treo băng rôn tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) và trực tiếp tham gia sàn giao dịch việc làm, nhưng kết quả đạt được rất khiêm tốn, chỉ có một vài người được tuyển dụng.

lao-dong-1-1731846400.jpg
Rất nhiều doanh nghiệp đang gặp tình trạng thiếu lao động

Tương tự, ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec VN (sản xuất sản phẩm điện tử) chia sẻ, công ty của ông hiện có khoảng 5.000 lao động, trong đó 3.500 nhân viên chính thức và 1.500 nhân viên thời vụ. Mặc dù công ty trả lương khá cao, với mức trung bình năm 2023 đạt trên 10 triệu đồng/tháng. Đây được xem là mức lương ổn định và khá cao đối với công nhân tại TP. HCM.

Thế nhưng công ty vẫn liên tục gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Công ty tuyển liên tục, mỗi ngày vài chục người nhưng kết quả không mấy khả quan. Ông Hồng nhận định, giờ là thời điểm tìm người, chứ không phải người tìm việc nữa.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP. HCM cho biết, thành phố đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông và lao động có tay nghề trầm trọng. Thống kê tháng 10 cho thấy, có 9.493 vị trí việc làm được đăng tuyển, trong đó lao động phổ thông chiếm hơn 50%.

Tuy nhiên, một số ngành nghề khác như văn hóa - xã hội không có nhu cầu tuyển dụng, trong khi có tới 7.526 người lao động tìm việc, dẫn đến nghịch lý: Doanh nghiệp không tuyển được người, dù số lượng người thất nghiệp tại TP. HCM vẫn còn khá cao.

Theo bà Hoàng Thị Minh Ngọc - Giám đốc Việc Làm Tốt, nhu cầu tuyển dụng tại TP. HCM đã tăng mạnh trong năm 2024, đặc biệt là ở các ngành như tài xế - kho vận, xây dựng - bất động sản và thợ sửa chữa - công nhân. Tuy nhiên, khảo sát với 300 doanh nghiệp cho thấy, khoảng 85% doanh nghiệp đang gặp tình trạng thiếu lao động, trong đó có 30% doanh nghiệp báo cáo thiếu hụt hơn một nửa số nhân sự cần thiết.

lao-dong-1731846400.jpg
"Làm việc linh hoạt" hiện trở thành tiêu chuẩn mới trong thị trường lao động Việt Nam

Ưu tiên công việc linh hoạt

Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng có một phần nguyên nhân là do người lao động ngày càng có xu hướng chuyển từ công việc ổn định, chính thức sang các công việc linh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi mạnh mẽ.

Bà Phạm Thị Châu - Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự tại một công ty ở TP. HCM cho biết, một trong những thay đổi rõ rệt là mức độ gắn bó của người lao động với doanh nghiệp không còn bền vững như trước. Không chỉ lao động phổ thông, ngay cả nhân viên văn phòng và quản lý cũng tìm kiếm các công việc linh hoạt hơn, với những điều kiện làm việc không gắn liền với hợp đồng dài hạn.

Các công ty cung cấp dịch vụ lao động thuê ngoài đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra môi trường cạnh tranh với các công ty tuyển dụng truyền thống nhờ vào việc cung cấp các công việc ngắn hạn, trả lương theo tuần hoặc tháng. Sự thay đổi này phản ánh xu hướng của thế hệ lao động mới, đặc biệt là Gen Z, những người không chỉ tìm kiếm thu nhập mà còn chú trọng đến tính linh hoạt trong công việc.

Chị Nguyễn Thị Tuyền, 38 tuổi, trước đây làm công nhân tại một công ty may ở quận 8 (TP. HCM) với mức lương cơ bản 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, chị cảm thấy không còn hứng thú với công việc phải "chôn chân" 8 tiếng mỗi ngày trong nhà máy.

Không muốn tiếp tục công việc cũ với mức thu nhập không cao và không có sự linh hoạt, chị đã quyết định nghỉ việc, nhận bảo hiểm thất nghiệp và chờ rút bảo hiểm xã hội một lần. Thay vào đó, chị Tuyền chọn chuyển sang làm tự do, nhận nhiều công việc linh hoạt hơn để tăng thu nhập. Việc làm này giúp chị có thể chủ động thời gian, làm việc theo nhu cầu và sở thích cá nhân, đồng thời linh hoạt hơn trong việc tăng thu nhập.

Còn chị Trần Phương Trang (quận 5, TP. HCM) - một thạc sĩ công nghệ sinh học, trước đây làm việc tại các phòng thí nghiệm theo công việc văn phòng cố định. Tuy nhiên, với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và sự phát triển của công nghệ, chị nhận thấy bản thân cần phải linh hoạt và không muốn gò bó trong công việc truyền thống.

Do đó, chị quyết định học thêm một lĩnh vực mới trong công nghệ sinh học, giúp chị dễ dàng làm việc từ xa và có thể làm các dự án tự do thay vì phải gắn bó với công việc cố định tại phòng thí nghiệm. Quyết định này không chỉ giúp chị bắt kịp xu hướng mới mà còn mang lại cho chị sự linh hoạt cao hơn trong công việc, đồng thời cải thiện thu nhập từ các công việc linh hoạt và dự án cá nhân.

Khảo sát từ Anphabe cho thấy, "làm việc linh hoạt" hiện trở thành tiêu chuẩn mới trong thị trường lao động Việt Nam. Đặc biệt, đối với người lao động thuộc thế hệ Gen Z, khoảng 30% mong muốn các doanh nghiệp có chính sách làm việc linh hoạt và 71% cho biết họ sẽ cân nhắc tìm công việc khác nếu doanh nghiệp không có chế độ này.