Những câu chuyện chạm đến trái tim trong ngày đầu thi tốt nghiệp THPT 2024

Sáng nay (27/6), hơn 1 triệu thí sinh cả nước đã bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 quan trọng. Tại các điểm thi đã có nhiều câu chuyện xúc động về thí sinh, phụ huynh và cả những người đang thầm lặng hỗ trợ.

Thí sinh U50 thi tốt nghiệp

Sáng 27/6, ông Rơ Châm Ui (47 tuổi, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) dậy sớm hơn bình thường. Sau khi chỉnh quần áo cẩn thận, ông rời nhà đến điểm thi tốt nghiệp THPT tại Trường THCS thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, Gia Lai). Là giáo viên văn hóa Trường tiểu học Bùi Thị Xuân, nhưng hôm nay ông Ui không đến điểm thi với vị trí là thầy giáo mà là một thí sinh.

Sau khi môn thi đầu tiên kết thúc, ông Ui chia sẻ, ban đầu bước vào kỳ thi cùng những thí sinh nhỏ tuổi hơn rất nhiều, ông khá ngại ngùng. Nhưng ông hít thở thật sâu, cố gắng bình tĩnh để hoàn thành tốt kỳ thi.

chuyen-thi-tot-nghiep-1719486569.jpg
Ông Rơ Châm Ui tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Ông Ui bảo, dù công việc bận rộn, nhà cách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chư Păh 60km nhưng ông vẫn cố gắng theo học, mong nhận về tấm bằng tốt nghiệp THPT. Tấm bằng này không chỉ bổ sung hồ sơ công việc của ông mà còn làm gương để cho con cháu noi theo tinh thần học tập.

Ông Rơ Châm Un (48 tuổi, người Jrai) cũng là một trong những thí sinh lớn tuổi nhất tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại Gia Lai.

Ông Un tâm sự, ông đã làm giáo viên văn hóa Trường Tiểu học Cù Chính Lan (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) được gần 30 năm rồi. Thế nhưng, trong lòng ông vẫn đau đấu mong muốn được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. 4 năm trước, gia đình đã động viên ông đăng kí học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chư Păh. Cuối tuần, ông vượt hơn 80km từ nhà đến trường ôn tập kiến thức.

Năm 2023, ông đã đăng ký dự thi nhưng đáng tiếc là không hoàn thành tốt kỳ thi. Mong muốn có tấm bằng tốt nghiệp, ông lại miệt mài ôn tập để thi tiếp năm nay.

Ông Un bộc bạch, năm nay ông đã biết tìm thêm các dạng bài trên mạng, rồi tự giải một số đề trước khi bước vào kỳ thi. Ông hy vọng, bản thân sẽ hoàn thành tốt kỳ thi, nhận được tấm bằng tốt nghiệp THPT. Nhưng dù kết quả như thế nào, tôi cũng khá thoải mái vì đã cố gắng, nỗ lực từng ngày và không nản lòng trước những khó khăn.

Sự cổ vũ và tình yêu thương từ cha mẹ

Sáng 27/6, một người đàn ông mặc áo đen, quàng khăn tang ở cổ điều khiển xe máy chở theo một nam sinh dừng trước điểm thi Trường THPT Thành Sen (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Đó là ông Võ Tá Dụng (56 tuổi, trú xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh) và nam sinh là Võ Nguyên Hoàng.

chuyen-thi-tot-nghiep-1-1719486570.jfif
Ông Võ Tá Dụng ngồi đợi con thi

Dõi theo con trai bước vào điểm thi, ông Dụng kê chiếc dép bên vỉa hè ngồi đợi con. Thi thoảng, ông lại lấy điện thoại ra xem với khuôn mặt buồn buồn. Ông Dụng cho biết, vợ chồng ông có 3 người con, Hoàng là con trai thứ 2. Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT một tuần, mẹ Hoàng qua đời vì bệnh hiểm nghèo.

Những ngày qua, ông nén nỗi đau mất vợ để động viên con. Ông chở con đi thi với hy vọng tiếp thêm động lực, mong con trai hoàn thành kỳ thi quan trọng sau 12 năm học tập.

Lo lắng hiện rõ trên mặt vợ chồng chị Y Tươm (38 tuổi) khi đứng chờ con tại điểm thi Trường PTDT nội trú tỉnh Kon Tum (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Phải tới khi cô con gái từ trong điểm thi đi ra nói làm bài tốt, vợ chồng chị mới bớt phần lo âu.

Chị Tươm cho biết, 5 giờ sáng, chị cùng chồng từ xã biên giới Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) vượt hơn 50km về thành phố động viên con gái Y Thuyn thi tốt nghiệp. Y Thuyn là học sinh lớp 12C Trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum nên được nhà trường bố trí nơi ăn, ở để tham gia kỳ thi. Nhưng vợ chồng chị Tươm vẫn muốn đến tận nơi cổ vũ cho con gái.

Chị Tươm bảo, vợ chồng chị đợi con thi xong môn toán để động viên. Tối, vợ chồng chị về nhà, rồi sáng mai lại xuống sớm vì không có chỗ ở. Kỳ thi này rất quan trọng với con nên gia đình muốn tiếp thêm năng lượng tích cực để con vững tin làm bài.

Cũng tại điểm thi này, chị Phan Thị Hiệp (42 tuổi, ở xã Ngọc Wang, huyện Đắk Hà, Kon Tum) vượt 30km đến cổ vũ con thi. Chị Hiệp tâm sự, đêm hôm trước, chị đã trằn trọc không ngủ được vì lo lắng con bước vào kỳ thi quan trọng. Khoảng 5h30 sáng nay, chị đã lái xe máy từ nhà lên thành phố cổ vũ cho con gái.

chuyen-thi-tot-nghiep-2-1719486570.png
Trung úy Vũ Mạnh Cường cõng thí sinh vào phòng thi (Ảnh: PLO)

Tận tâm của những chiến sĩ công an

Sáng nay, lực lượng công an tại tất cả các tỉnh trên cả nước đều ra quân bảo đảm an ninh tại các điểm thi tốt nghiệp THPT. Không chỉ đảm bảo an ninh, các chiến sĩ còn hỗ trợ hết mình giúp các thí sinh thuận lợi tham gia thi. Sự tận tâm của các chiến sĩ nhận được nhiều lời khen ngợi. Trong đó ấn tượng là hình ảnh một cán bộ Công an huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) cõng thí sinh khuyết tật vào phòng thi.

Hành động đẹp này diễn ra tại điểm thi Trường THPT Trung Nghĩa (xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy). Nữ sinh được giúp đỡ là Nguyễn Thị Hồng Linh (19 tuổi). Linh bị mất đôi chân khi em đang học lớp 10, trong một vụ tai nạn giao thông. Còn cán bộ công an là trung úy Vũ Mạnh Cường.

Lãnh đạo Trường THPT Trung Nghĩa cho biết, do người nhà không được vào trong khu vực thi nên cán bộ công an đã xin phép gia đình, xin phép nữ sinh cõng em vào phòng thi sau đó cõng từ phòng thi ra xe để về nhà.

chuyen-thi-tot-nghiep-3-1719486570.jpg
CSGT dùng xe đặc chủng chở thí sinh về nhà lấy giấy tờ

Tại TP. HCM, CSGT đã dùng xe đặc chủng chở thí sinh về nhà lấy giấy tờ. Theo đó, tại điểm thi Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7), một thí sinh đã nhờ hỗ trợ vì bỏ quên giấy tờ ở nhà. Nhận thông tin, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự quận 7 đã điều động một chiến sĩ dùng xe đặc chủng chở thí sinh về lấy giấy tờ. Với sự giúp đỡ này, thí sinh đã lấy được giấy tờ, quay lại điểm thi đúng giờ. Thời gian về nhà và trở lại điểm thi không quá 10 phút.

Một lãnh đạo Phòng PC08, Công an TP.HCM cho biết, đây là một hành động cần thiết. Đơn vị luôn sẵn sàng tinh thần hỗ trợ các thí sinh hoàn thành tốt kỳ thi quan trọng này.

D.V (tổng hợp)