Những start-up hút vốn đầu tư tại Đông Nam Á hiện nay

Theo DealStreetAsia và công ty đầu tư Rigel Capital, số vốn huy động của các công ty start-up ở Đông Nam Á năm 2023 giảm một nửa xuống còn 7,96 tỷ USD, giao dịch mạo hiểm giảm 30% so với năm 2022. Thực tế cho thấy, dù tình hình chung số vốn huy động của các công ty khởi nghiệp giảm nhưng vẫn có một số đơn vị thành công huy động được số vốn lớn.
start-up-2-1710304862.jpg
Những trở ngại kinh tế vĩ mô toàn cầu là một trong những nguyên nhân làm giảm dòng vốn đầu tư vào khu vực Đông Nam Á

Theo báo cáo từ Rigel Capital, nguyên nhân làm giảm dòng vốn vào khu vực Đông Nam Á (ASEAN) là do những trở ngại kinh tế vĩ mô toàn cầu. Bên cạnh đó, xung đột chính trị, sự thận trọng của các nhà đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn, đà giảm tốc trong các ngành fintech (công nghệ tài chính) và thương mại điện tử. Mặt khác, những lo ngại về biến đổi khí hậu cũng đã trở thành vấn đề toàn cầu.

Năm 2024, tín hiệu phục hồi ở khu vực Đông Nam Á trở nên rõ rệt bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp ở hầu hết các quốc gia trong khu vực này đều đã đẩy nhanh tiến trình số hóa và áp dụng các chính sách kinh tế mới. Trong đó, nổi lên một số start-up tiêu biểu thành công huy động được nguồn vốn tài trợ lớn.

Bolttech là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bảo hiểm của Singapore gần đây đã huy động được 246 triệu USD trong vòng Series B từ LeapFrog Investments, MetLife, Tokio Marine và Khazanah Nasional. Bolttech tận dụng hệ sinh thái hỗ trợ công nghệ hàng đầu thế giới cho bảo hiểm, đối tác của Bolttech có thể kết nối khách hàng với các sản phẩm phù hợp để mang lại hiệu quả cao và trải nghiệm tốt hơn. Bên cạnh đó, Bolttech đã áp dụng các chính sách ESG (môi trường, xã hội, quản trị) vào hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp mình nhằm xây dựng hình ảnh một start-up bền vững và có đạo đức.

09-team-bolltech-1710305123.jpg
Bolttech tận dụng hệ sinh thái hỗ trợ công nghệ hàng đầu thế giới cho bảo hiểm (Ảnh minh họa)

Vào tháng 3/2023, Kredivo đã ký một thỏa thuận do ngân hàng toàn cầu Nhật Bản Mizuho Bank dẫn đầu với khoản đầu tư lên đến 125 triệu USD. Square Peg Capital, Jungle Ventures và Naver Financial Corporation cũng là những nhà đầu tư cho Kredivo.

Kredivo được biết đến là nền tảng tín dụng kỹ thuật số hàng đầu ở Indonesia. Nền tảng này cung cấp cho khách hàng sản phẩm tài chính tín dụng khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử và mua hàng truyền thống. Người dùng có thể mua trước trả sau hoặc vay tiêu dùng cá nhân với mức lãi suất thấp, đặc biệt không cần chứng minh thu nhập.

Một công ty khác của Indonesia là eFishery hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tập trung vào kỹ thuật nhân giống, thu hoạch cá và các loài thực vật thủy sinh. eFishery là cầu nối giúp nông dân đất nước này tiếp cận với nền kinh tế số thông qua các giải pháp công nghệ nuôi trồng thủy sản với mức giá cả hợp lý. Theo DealStreetAsia, eFishery đã huy động được 200 triệu USD trong vòng Series D. Đến tháng 5/2023, công ty này đã trở thành kỳ lân sau vòng cấp vốn 108 triệu USD.

Carsome cũng là công ty khởi nghiệp được biết đến nhiều hơn khi thành công huy động được 607,4 triệu USD tài trợ qua 15 vòng từ EvolutionX Debt Capital, 65 Equity Partners, Cơ quan đầu tư Qatar, Gobi Partners và các đối tác khác. Tiếp đó, Carsome sử dụng số vốn trên để số hóa ngành công nghiệp ô tô đã qua sử dụng ở Malaysia, Indonesia… Carsome đặt trụ sở tại Malaysia chuyên trao đổi ô tô đã qua sử dụng dưới hình thức thương mại điện tử. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ của Carsome cũng được khách hàng đánh giá cao.

Thuocsi là nền tảng tìm nguồn cung ứng và phân phối dược phẩm cho bác sĩ, dược sĩ và các bệnh viện tại Việt Nam. Công ty này đã từng huy động được 51,5 triệu USD trong vòng cấp vốn Series B. Thuocsi kết nối nhà sản xuất và nhà phân phối với người dùng cuối giúp tiết kiệm thời gian nghiên cứu, tìm kiếm các loại thuốc cần thiết. Điều đặc biệt là mặc dù Thuocsi chủ yếu bán sỉ nhưng Thuocsi không yêu cầu khách hàng mua thuốc với số lượng quá lớn.

Trên thực tế, hiện nay, xu hướng đầu tư chung trên thế giới là tài trợ vào các công ty khởi nghiệp công nghệ xanh và thanh toán kỹ thuật số. Đây cũng là một gợi ý để các doanh nghiệp start-up nắm bắt thời cơ chuyển mình mạnh mẽ.

Theo một số chuyên gia, Việt Nam đã và đang nổi lên nhanh chóng không chỉ ở khu vực mà còn trên thị trường toàn cầu với nhiều thế mạnh thu hút đầu tư. Các công ty khởi nghiệp chất lượng ở Việt Nam đã xây dựng chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ, đó cũng là dấu hiệu khả quan, tích cực. Tuy nhiên, thực tế trong năm 2023, tình hình đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nước ta sụt giảm rõ rệt cả về số thương vụ cũng như giá trị vốn rót. Từ đó có thể thấy rằng, mặc dù là một thị trường khởi nghiệp giàu tiềm năng nhưng khả năng khai thác chưa thật sự hiệu quả. Đây cũng là bài toán lớn cho các doanh nghiệp start-up tại Việt Nam.

Mới đây, vào tháng 1/2024, quỹ đầu tư mạo hiểm Antle đã công bố khoản tài trợ hạt giống trị giá 5,1 triệu USD vào 37 start-up ở Đông Nam Á, trong đó có 4 của Việt Nam là Upbrand, Naki, Flaex và Barely Skin.