Những ngày cuối năm ai cũng ngược xuôi bận rộn sắm Tết, Hồng Anh (TP. HCM) cũng vội vàng ra khỏi nhà nhưng không phải để sắm Tết mà là đến lớp học nấu ăn. Hồng Anh tìm được khóa học này trên mạng. Chi phí cho mỗi buổi học từ 700.000 – 1.000.000 đồng. Những món dễ, cô được trung tâm gửi tài liệu và học trực tuyến. Còn những món khó như gà luộc cánh tiên, bánh chưng, thịt đông… thì cô đến lớp học trực tiếp.
Trước khi tham gia khóa học nấu ăn, Hồng Anh không phân biệt được gà già với gà non, khi luộc gà thì chỉ cần cho nước được. gà nhưng khi thực hành cô mới nhận ra vì luộc sai cách nên gà chỉ chín bên ngoài, bên trong vẫn sống. Đến lớp, giảng viên hướng dẫn cô các thao tác để luộc gà có màu vàng ươm, đầu ngẩng cao, cánh vươn, da căng bóng và không bị nứt đùi. Lúc này, cô gái mới hiểu được tại sao trước đây mình luộc gà, bên ngoài đã chín bung cả da thịt mà khi chặt ra, bên trong vẫn sống.
Hồng Anh bộc bạch, cô chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm được những món phức tạp, đặc biệt là những món dành cho dịp Tết. Trước giờ việc nấu nướng ngày Tết đều được bố mẹ lo nên Tết này, cô quyết định đảm đương cỗ cho bố mẹ đỡ vất vả. Đó là lý do cô đi học nấu ăn. Hồng Anh bảo, giờ cô đã có thể gói và tạo hình bánh chưng đẹp. Nấu ăn với cô bây giờ không còn là cảm tính, mà đã được định lượng gia vị bằng cân tiểu ly.
Đầu tháng Chạp, Thanh Hiền (26 tuổi, Hà Nội) cũng vô cùng hào hứng khi đăng ký tham gia khóa học nấu cỗ. Cô chia sẻ, các khóa học nấu cỗ Tết như “phao cứu sinh” giúp mình nắm được cách thức nấu ăn ngon, biết điều chỉnh gia vị sao cho món ăn phù hợp với khẩu vị gia đình. Hiện tại, cô đã biết cách lựa chọn, kiểm tra nguyên liệu vừa tươi xanh, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khi tham gia khóa học, Hiền cảm thấy trong các công đoạn chế biến một mâm cỗ Tết, khó nhất là khâu… chặt gà. Bởi chặt gà nếu không theo trình tự thì vừa khó làm, thành quả thì không “ngon mắt”. Giờ cô đã biết cách bày biện món gà luộc dân dã sao cho khéo léo và thẩm mỹ nhất.
Từ đầu tháng 1/2024, tại Hà Nội và TP. HCM đã xuất hiện hàng chục lớp học nấu ăn với mục tiêu là chuẩn bị cho Tết. Đầu bếp, giảng viên nấu ăn Lưu Huỳnh Châu (Hà Nội) cho biết, dịp cuối năm này, anh đã đứng rất nhiều lớp dạy nấu cỗ Tết. Mỗi lớp học của anh có khoảng 10 học viên, với nhiều độ tuổi khác nhau từ 22 – 45 tuổi. Các học viên phần nhiều là các bạn sinh viên, chị em nội trợ, kinh doanh hoặc nhân viên văn phòng.
Còn đầu bếp Ngô Doãn Lệnh - giảng viên ẩm thực trung tâm L.Q.T Kitchen (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, chỉ trong tháng Chạp, đã có khoảng 200-300 học viên đăng ký tham gia các khóa nữ công gia chánh, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Học phí mỗi buổi từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Hầu như các học viên đều đăng ký các khóa học cấp tốc 1 buổi (3 – 4 tiếng) để nắm được kỹ năng, công thức cơ bản các món như thịt đông, gà luộc, bánh chưng, nem rán, miến xào.
Không chỉ học nấu ăn, các lớp học cắm hoa, pha chế cũng có nhiều người trẻ đăng ký học. Khi được hỏi, các bạn trẻ này đều chia sẻ đi học nấu ăn, nữ công gia chánh đơn giản là để có thể phụ giúp người thân trong những ngày sum vầy hay muốn trổ tài trong dịp ra mắt nhà chồng, người yêu. Những lớp học cấp tốc thế này rất tiện với họ.